Sau hơn một ngày phong tỏa đường phố, ngày 27/7, nông dân Pháp đã tạm ngừng hành động phản đối này sau khi nhận được cam kết về một buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp nước này. Tuy nhiên, đại diện các nông dân tuyên bố sẽ duy trì tình trạng cảnh báo trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng cuộc đàm phán, yêu cầu chính phủ hành động để ngăn chặn tình trạng giá nông sản giảm mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của họ.
Một lãnh đạo nghiệp đoàn nông nghiệp FNSEA cho biết từ nay đến cuối tháng 8, nghiệp đoàn có thể lặp lại biện pháp trên. Ông cũng để ngỏ khả năng cuộc biểu tình có thể nhắm vào các đại lý bán lẻ lớn nhất của Pháp.
Cảnh sát giải tỏa những chướng ngại vật nông dân phong tỏa trên cây cầu nối Pháp và Đức ở Strasbourg, miền đông nước Pháp trong cuộc biểu tình ngày 27/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ đêm 25/7 nông dân Pháp đã huy động gần 1.000 người và máy kéo để lập chốt chặn trên 6 tuyến quốc lộ giữa Pháp và Đức, mục đích là chặn khoảng 400 xe tải chở nông phẩm của Đức nhập cảnh vào Pháp. Đây là động thái mới nhất trong diễn biến cuộc biểu tình kéo dài cả tuần trước của nông dân Pháp để phản đối giá nhiều loại nông sản trong nước như thịt bò, thịt lợn, rau quả... giảm mạnh khi phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại giá rẻ hơn từ các nước Liên minh châu Âu (EU). Những người biểu tình cáo buộc các siêu thị, các nhà phân phối và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm thông đồng với nhau nhằm hạ giá nông sản trong nước.
Nhằm xoa dịu sự tức giận của nông dân đồng thời cũng là để giải quyết một vấn đề đã tồn tại từ lâu, Chính phủ Pháp ngày 22/7 đã công bố kế hoạch dành 600 triệu euro để hỗ trợ những nông dân đang gặp khó khăn do giá nông sản giảm. Tuy nhiên, nông dân Pháp cho rằng các biện pháp này là “chưa đủ” và không thể giải quyết được tận gốc mọi vấn đề. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực cho đến cuối tháng Tám để có được sự bảo đảm về giá.
Theo Cơ quan Thống kê giá cả và lợi nhuận của Pháp, trong năm ngoái, các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn của Pháp đã bị ảnh hưởng bởi việc giá thu mua sụt giảm từ 6% đến 8 %, trong khi giá bán lẻ các sản phẩm đó trên thị trường lại tăng 1%. Giá thu mua sữa hiện cũng giảm 17 % so với năm ngoái. Ước tính, hiện có khoảng 10% nông trại Pháp, tương đương 22.000 doanh nghiệp, đang đứng trước bờ vực phá sản với số nợ lên tới 1 tỷ euro.