Để làm yên lòng người nông dân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một phần của khoản tiền thu được từ việc đánh thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được dùng để hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức, trong đó có việc mua lại khối lượng lớn nông sản từ nông dân Mỹ và gửi sang các nước cần đến chúng như một hình thức viện trợ nhân đạo.
Ông Zhong Yu, một nhà nghiên cứu của Viện Phát triển và Kinh tế Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này. Ông Ye Xingqing, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cưu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng đồng quan điểm với ông Zhong Yu, nói rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa viện trợ lương thực vào khuôn khổi đàm phán mới.
Trong vòng đàm phán Doha, nhiều quy định đã được đề xuất nhằm chăn ngặn việc sử dụng cứu trợ lương thực như một công cụ để giải quyết lương thực dư thừa. Vì vậy, ông Ye cho rằng dùng doanh thu thuế để mua nông sản phục vụ cho các chương trình viện trợ lương thực trên thực tế là vi phạm Hiệp định về Nông nghiệp của WTO. Ông giải thích rằng hiệp định này quy định viện trợ lương thực không được gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và buôn bán các mặt hàng nông sản liên quan trên toàn thế giới hoặc tác động đến giá cả trên thị trường.
Nông dân Mỹ, nhóm cử tri quan trọng đối với Tổng thống Trump, nằm trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những căng thẳng thương mại giữa nước này với Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2018 đã giảm 75% xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua, và xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác cũng không thể bù đắp được cho sự sụt giảm nghiêm trọng này.
Nhưng nông dân Mỹ không phải là những đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp nông nghiệp của Trung Quốc cũng đang nỗ lực để đối phó với thách thức này.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng thách thức từ sự sụt giảm lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ có thể giúp Trung Quốc, vì nó buộc nước này phải đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu và tránh quá lệ thuộc vào một thị trường nhất định. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Brazil. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 66 triệu tấn đậu tương của Brazil, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi đó, hạt hướng dương và hạt cải dầu từ Argentina, Ukraine và Nga cũng đang tiến vào thị trường Trung Quốc như những sản phẩm thay thế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát động một chương trình để khuyến khích nông dân trong nước trồng nhiều đậu tương hơn. Tu Changming, người đứng đầu bộ phận thương mại dầu và chất béo của tập đoàn Yihai Kerry Group (Trung Quốc), cho rằng tình trạng thiếu hụt đậu tương ở Trung Quốc chỉ là tạm thời, và một khi Trung Quốc tìm ra các phương án thay thế mới, thì đây sẽ là một cú đòn giáng vào Mỹ vì Mỹ mất đi một thị trường lớn như Trung Quốc.