Theo dữ liệu được Bộ Nông nghiệp Afghanistan vừa công bố, sản lượng nghệ tây trong năm nay đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 13 tấn. Số liệu chính thức cho thấy hoa nghệ tây được trồng trên 6.200 ha đất vào năm 2018, tăng 22% so với năm ngoái.
Chính phủ cho biết chỉ tính riêng trong năm 2018, hơn 6.600 công nhân nghệ tây đã được đào tạo về sản xuất, chế biến và đóng gói.
“Người nông dân sản xuất saffron đã nhận được doanh thu 17 triệu USD và thực tế khoảng 90% nghệ tây Afghanistan được xuất khẩu ra nước ngoài”, tuyên bố của Bộ Nông nghiệp nước này đề cập.
Nhụy hoa nghệ tây trong nhiều thế kỷ qua được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau và quy trình sản xuất nước hoa. Gia vị nghệ tây có nhiều công dụng với sức khỏe, như ngăn chặn tác động của một loạt hợp chất hóa học có khả năng gây ra căn bệnh ung thư và có tác dụng ức chế các tế bào ung thư. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của nhụy hoa nghệ tây có công dụng chống trầm cảm, bệnh mất trí nhớ, hay đóng vai trò như một chất chống oxy hóa.
Saffron có biệt danh là “Vàng đỏ” – lấy cảm hứng từ màu sắc đặc trưng của loại gia vị này. Nó được bán với giá lên tới 1.500 USD/kg (gần 35 triệu đồng) trên thị trường phương Tây.
“Chúng tôi bắt đầu công việc thu hoạch trước khi mặt trời mọc và mỗi người chúng tôi có thể thu được khoảng bốn đến năm kg hoa nghệ tây”, Joma Khan (16 tuổi) - một trong 156.000 công nhân thời vụ hỗ trợ thu hoạch saffron, trả lời hãng tin AFP. Các công nhân ở đây kiếm được khoảng 1 USD/giờ.
Sản phẩm sau đó được gửi đến các nhà máy để công nhân nhà máy phân loại, sấy khô và đóng gói.
Nhụy hoa nghệ tây của Afghanistan được xuất khẩu sang 17 quốc gia thông qua đường hàng không (chủ yếu đến Trung Quốc, Ấn Độ và các nước vùng Vịnh Ba Tư), cũng như Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ.
Giới chức Afghanistan đang đấu tranh trong công cuộc giúp người nông dân không còn sản xuất và buôn bán thuốc phiện. Trồng thuốc phiện vẫn chiếm 263.000 ha đất nông nghiệp ở Afghanistan, với gần 90% cây thuốc phiện được thu hoạch trên thế giới đến từ quốc gia Tây Nam Á này.