Nông dân Trung Quốc đổi đời nhờ live-stream bán hàng

“Chợ điện tử” Taobao và Kuaishou đang làm thay đổi cuộc sống ở các vùng nông thôn Trung Quốc thông qua các công cụ phát video trực tuyến (live-stream).

Chú thích ảnh
Ông Zhong Haihui dùng iPhone 6 và một chân đứng để live-stream bán hàng qua một ứng dụng trên chợ điện tử Kuaishou và Taobao Marketplace. Photo: SCMP

Trên vùng đồi của trang trại cam ở ngoại ô Trương Gia Giới, thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ông Zhong Haihui đã tiến một bước lớn trong cuộc đời khi nhảy vọt từ một nông dân trồng cây ăn quả trở thành ngôi sao live-stream video.

Những người hàng xóm trong làng ban đầu thấy khó hiểu về Zhong, khi người đàn ông đội mũ cao bồi, đứng trên một mỏm đá lớn, cứ tự nói chuyện hàng giờ đồng hồ với chiếc điện thoại. Ông Zhong nói đủ thứ chuyện xoay quanh nghề trồng cam và trái cây của mình. 

Khi đó là vào năm 2017. Hai năm sau, Zong Haihui nhận thấy rất nhiều nông dân khác như ông trên khắp đất nước Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng công cụ video phát trực tiếp để giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho hàng triệu người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn số hai thế giới.

“Mọi thứ còn rất lúng túng khi chúng tôi bắt đầu làm. Nhưng giờ thì nhiều người khác cũng đang live-stream”, Zhong phát biểu với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Một nông dân là Chen Jiubei đang live-stream ngay bên tại bếp lửa ở quê nhà thuộc tỉnh Chiết Giang. 

Ông Zhong là một trong những nông dân đầu tiên ở Hồ Nam bán trái cây qua các video live-stream, thu hút người tiêu dùng trên khắp cả nước qua nền tảng chia sẻ video Kuaishou và ứng dụng thương mại điện tử Taobao Marketplace của tập đoàn Alibaba. 

Zhong cho biết ông trở thành người nói nhiều hơn, nhiều năng lượng hơn khi chat với những người theo dõi (follower) mình trên mạng. Zhong tự xưng mình là “chú”, và người theo dõi ông cũng dùng luôn đại từ đó để gọi ông một cách thân mật.

Zhong gọi người xem kênh của mình là “bao bao”, có nghĩa là “cháu”. Đây cũng là một các gọi thông dụng của các streamer (người live-stream) Trung Quốc khi nói chuyện với khán giả, tạo cảm giác như những người thân quen. Câu chào quen thuộc của ông là “Chào mừng các cháu. Hãy nhấn nút follow nếu các cháu là người mới. Theo dõi chú nhé bởi sẽ có thêm nhiều món ăn ngon nữa”.

Chú thích ảnh
Ông Zhong Haihui đã bắt đầu đi khắp đất nước để live-stream bán trái cây các địa phương. Ảnh: SCMP 

Zhong lia máy quay về phía các sườn núi, và hỏi khán giả xem họ đã ăn sáng chưa. Ông và một đồng sự là Xiaoqiang, 21 tuổi, nhanh chóng đáp lại hầu như mọi câu hỏi xuất hiện trên điện thoại, hầu hết hỏi về những loại trái cây mà họ bán hôm đó. 

Trước đây ông Zhong làm việc tại một trạm xăng, rồi một nhà máy. Năm 2011, ông mở cửa hàng online trên Taobao, bán nông sản địa phương. Tuy nhiên, việc kinh doanh của ông mãi không phát đạt, cho đến cuối năm 2017 khi Zhong bắt đầu live-stream để quảng bá sản phẩm.

Con đường kinh doanh mới của ông Zhong được mở ra khi các ứng dụng lớn ở Trung Quốc hỗ trợ một loạt dịch vụ nhằm giữ chân người dùng ở lại nền tảng của họ. Người dùng có thể mua sắm mọi thứ từ Kuaishou, vốn ban đầu chỉ là một nền tảng chia sẻ video ngắn; hay Taobao, nơi hỗ trợ người bán hàng phát video live-stream thoải mái.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng nông dân đang sử dụng công cụ live-stream để bán sản phẩm, cả Taobao và Kuaishou đều chú trọng việc giúp nông dân phát triển kinh doanh trên nền tảng của mình.

Chú thích ảnh
Khung cảnh nông thôn được các streamer khai thác khiến công chúng nơi thành phố rất thích thú. Ảnh: Alizila

Taobao cho biết họ nhắm mục tiêu tạo ra đội ngũ 1.000 streamer nông dân tại 100 huyện trong năm nay, giúp mỗi người kiếm được trên 10.000 tệ (1.400 USD) thu nhập hàng tháng.

Còn Kuaishou ước tính, nền tảng của họ có tới trên 1 triệu người dùng ở nông thôn, bán sản phẩm địa phương thông qua cả hình thức live-stream lẫn video ngắn. Những người dùng này kiếm tổng cộng 19 tỉ nhân dân tệ (2,65 tỉ USD) trong năm ngoái.

Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động live-stream bán hàng trong năm 2016, khi thị trường tăng trưởng 180% lên 20,8 tỉ nhân dân tệ so với năm trước đó. Cả hai nhà điều hành nền tảng đều cắt tỉ lệ tiền hoa hồng quảng cáo cho các streamer để khuyến khích họ sản xuất nội dung. 

Một yếu tố khác hỗ trợ cho các nông dân bán hàng online là mối lo ngại ngày càng tăng về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc, khi giúp người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn vì họ tận mắt nhìn thấy nguồn gốc của các sản phẩm mình định mua.

Chú thích ảnh
Zhong Haihui mải mê live-stream tới 10 tiếng mỗi ngày. Ảnh: SCMP

Là một trong những điểm đến du lịch, thành phố Trương Gia Giới, quê ông Zhong nổi tiếng với những rặng núi hiểm trở, từng xuất hiện trong bom tấn Avatar của Hollywood. 

Tuy nhiên, thị trường video live-stream đã bắt đầu hạ “sốt” bởi chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn cũng như sự hứng thú đã giảm xuống ở người dùng. Năm 2018, số lượng người dùng live-stream đã giảm 6% so với năm 2017, xuống 396,8 triệu – theo báo cáo thường niên của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung quốc. Đó là hạng mục dịch vụ online duy nhất sụt giảm người dùng trong năm ngoái, trong khi số lượng người dùng các dịch vụ đặt xe tăng 40,9%.

Trong khi người dân dần hết hứng thú với việc xem các streamer chỉ “nhảy và hát”, họ chuyển sự chú ý tới các streamer xuất hiện trong những khung cảnh thiên nhiên ở các vùng quê hơn.
Nhiều cô gái tại các ngôi làng ở tỉnh Quý Châu đang tung lên những video nấu ăn ở vùng núi, hay dùng bữa tối bên vách núi đá ở vùng cao nguyên Tây Tạng. Nhiều người trong số họ có các cửa hàng bán đặc sản địa phương trên Kuaishou.

Kênh live-streeam của ông Zhong hiện có hơn 82.000 người theo dõi. Nhưng triển vọng công việc của ông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vì thế Zhong và đối tác đã tiến hành những nghiên cứu để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Họ bỏ nhiều thời gian theo dõi các streamer khác, để cải thiện các buổi live-stream của mình, thậm chí còn chat với người dùng vào nửa đêm, kể cả sau khi đã live-stream 10 tiếng mỗi ngày.

“Trở về nhà sau một buổi live-stream, tôi thường không muốn nói một lời nào nữa. Tôi hết sạch những gì cần nói”, Zhong cho biết.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Facebook ra mắt tính năng “hẹn hò” tại Mỹ
Facebook ra mắt tính năng “hẹn hò” tại Mỹ

Sau khi được triển khai tại 19 quốc gia trên thế giới, Facebook đã chính thức ra mắt tính năng "Facebook Dating" tại Mỹ, nhằm giúp người dùng có thể tìm thấy tình yêu của mình qua mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN