Chưa bao giờ vấn đề an ninh lương thực lại được đặt ra khẩn thiết như hiện nay, nhất là khi khí hậu toàn cầu đang thay đổi, đe dọa đời sống của nhiều người, giá thực phẩm cũng như nhiên liệu trên toàn cầu leo thang, khiến người nghèo tại các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi phải đối mặt với cái đói triền miên. Thêm vào đó là việc dân số thế giới không ngừng tăng, nguồn nước có nguy cơ cạn kiện. Trước những thách thức này, Tổ chức phi chính phủ World Watch (có trụ sở tại New York), mới đây đã đưa ra 15 cách mà nông nghiệp có thể giúp thế giới chống đói nghèo và đối mặt với những thách thức về môi trường.
Nông nghiệp: Giải pháp chứ không phải nguyên nhân
Bà Danielle Nierenberg, đồng Giám đốc của dự án Nurshing planet, thuộc World Watch nói về 15 kiến nghị này như sau: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh làm thế nào để nông nghiệp có thể trở thành giải pháp cho những thách thức lớn về môi trường hiện nay. Thường thì nông nghiệp bị coi là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến môi trường, chính vì vậy chúng tôi muốn chỉ ra rằng nông nghiệp là giải pháp chứ không phải là nguyên nhân. Chúng tôi chỉ ra một vài cách chính mà nông nghiệp có thể giúp giải quyết vấn đề, dựa vào những gì chúng tôi thấy được trong vòng 15 tháng qua, tại hơn 25 nước ở khu vực hạ Xahara".
15 cách mà Worldwatch đưa ra tập trung vào các vấn đề như giảm lãng phí thực phẩm, đa dạng hóa cây nông nghiệp cung cấp dinh dưỡng cao có nguồn gốc địa phương, tiết kiệm nước, đầu tư cho phụ nữ làm nông nghiệp, và tổ chức nông nghiệp ở thành thị. Một trong những điểm chính được các chuyên gia của tổ chức này chú ý đến là việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Theo bà Danielle Nierenberg, có đến 20 - 50% nông sản thu hoạch trên toàn cầu bị lãng phí trước khi đến được với người dùng. Bà đưa ra ví dụ về việc nông dân ở Nigiê đã tìm cách giảm thiểu lãng phí thực phẩm một cách có hiệu quả như sau: “Nông dân ở Nigiê đã trồng một loại đậu vốn là một loại cây lương thực ổn định, và họ sử dụng các bao do địa phương sản xuất để tránh mốc, hỏng. Cách này giúp nông dân Nigiê tiết kiệm được khoảng 255 triệu USD/năm. Ở những nơi nghèo khó có thu nhập đầu người chưa được 2 USD/ngày thì bất cứ nguồn tăng thu nhập nào cũng quan trọng”.
Nông nghiệp ở thành thị
Một đề xuất khác cũng được các nhà nghiên cứu chú ý là việc tổ chức nông nghiệp ở ngay trong thành phố. Nguyên nhân khiến đề xuất này quan trọng là bởi tốc độ di dân từ nông thôn vào thành thị đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Chỉ tính riêng vùng hạ Xahara, đã có khoảng 14 triệu người chuyển vào thành phố mỗi năm, và sự di cư này chỉ đứng thứ hai sau sự di cư lớn ở Trung Quốc. Vào năm 2020, sẽ có khoảng từ 30 - 35% người dân châu Phi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các thực phẩm được trồng trong các thành phố. Bà Danielle Nierenberg cũng đưa ra ví dụ về phát triển nông nghiệp thành thị ở Kinbera, gần thủ đô Nairôbi (Kênia): “Ở đây, người dân có thể tự cung cấp được nhiều loại thực phẩm với diện tích rất nhỏ. Có một nhóm nông dân tự lập một loại nông trại gọi là "nông trại thẳng đứng", tức là người ta khâu các bao đựng đất, rồi đục các lỗ xung quanh và gieo hạt. Làm như vậy, họ có thể trồng được nhiều cây ở các tầng khác nhau. Họ có thể để 3 bao kiểu như vậy trong sân nhỏ sau nhà hoặc sân thượng, ban công. Tại Nairôbi, dạng nông trại kiểu này đang trở nên ngày càng quan trọng vì nó giúp họ nuôi gia đình, không phải mua rau ngoài chợ. Năm 2008, khi chiến sự bùng nổ tại Nairôbi sau bầu cử, không có thực phẩm vào Kinbera, nhiều phụ nữ vẫn cung cấp được thức ăn cho gia đình nhờ cách làm này”.
Theo bà Danielle, cách làm này hoàn toàn có thể áp dụng được ở các thành phố lớn khác trên thế giới như Băngcốc (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc), hay New York (Mỹ). World Watch cũng đề cập đến vấn đề lấy đất tràn lan tại châu Phi hiện nay. Với sức ép về giá thực phẩm tăng cao, các nước giàu có hơn ở Trung Đông và châu Á như Arập Xêút, Yêmen, Trung Quốc đang mua đất của nông dân châu Phi với giá rẻ để tăng năng suất nông nghiệp của họ. Điều này đã dẫn đến việc bóc lột chính những nông dân có đất canh tác nhỏ ở châu Phi, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của họ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đề nghị một sự hợp tác đầu tư giữa nước ngoài và nông dân bản địa một cách hiệu quả hơn để cả hai bên đều hưởng lợi.
Bà Danielle Nierenberg cho rằng, các tổ chức quốc tế nên hợp tác cùng nhau và đặt ra một quy chuẩn quốc tế liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Tuy không đưa ra được chi phí ước tính để thực hiện các đề xuất này là bao nhiêu, song WorldWatch tin rằng, sẽ không tốn quá nhiều tiền và khoản chi lớn nhất lại chính là thuyết phục các nhà làm chính sách ở các nước.
World Watch tin rằng nếu những biện pháp trên được áp dụng, con số khoảng 1 tỷ người còn chịu đói hiện nay trên toàn cầu sẽ được giảm xuống đáng kể trong vòng 5 đến 10 năm tới. Với các đề xuất này, các nhà nghiên cứu của World Watch cũng hy vọng sẽ có một khoản tăng đáng kể trong đầu tư nông nghiệp cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả và giúp xây dựng nông nghiệp của địa phương.
TKT