Bước leo thang căng thẳng mới ở Trung Đông
Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ngày 2/2 cho biết nước này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào 85 mục tiêu ở Iraq và Syria, “chống lại Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các nhóm dân quân trực thuộc”. Việc tấn công vào bên trong Iran được đánh giá sẽ là một động thái khiến căng thẳng leo thang nghiêm trọng và các quan chức đều cho rằng một kịch bản như thế khó có thể xảy ra.
Kênh CNN dẫn lời 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết mục tiêu tấn công nằm rải rác ở 7 địa điểm. Vụ đáp trả kéo dài 30 phút và chỉ được báo trước cho chính phủ Iraq, không được thông báo trước với Iran. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby khẳng định các cuộc tấn công đã thành công và đánh trúng mục tiêu.
Trong một tuyên bố vào chiều 2/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ thông báo cuộc tấn công có sự tham gia của nhiều máy bay, trong đó có máy bay ném bom tầm xa xuất phát từ Mỹ. Các cuộc không kích sử dụng hơn 125 quả đạn chính xác. Các cơ sở bị tấn công bao gồm cơ sở chỉ huy và giám sát, các trung tâm tình báo, kho tên lửa, kho chứa máy bay không người lái cũng như các cơ sở chuỗi cung ứng hậu cần và đạn dược của các nhóm dân quân.
Ngay sau cuộc không kích đáp trả, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một tuyên bố nêu rõ: "Hôm nay, theo sự chỉ đạo của tôi, các lực lượng Mỹ đáng tấn công các mục tiêu ở Iraq và Syria mà các nhóm dân quân đã sử dụng để tấn công các lực lượng Mỹ. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông hay ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng bất cứ nơi nào làm tổn hại chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả".
Mặc dù các cuộc tấn công mới nhất của Mỹ không nhằm vào các địa điểm bên trong Iran nhưng chúng báo hiệu sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông sau cuộc xung đột kéo dài gần 4 tháng giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Trong phản ứng đầu tiên của Tehran trước các cuộc tấn công của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho rằng hành động mới nhất của Mỹ ở Trung Đông là “một sai lầm mang tính mạo hiểm của Mỹ, vốn sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và le thang bất ổn trong khu vực”.
Về phần mình, người phát ngôn quân đội Iraq Yahya Rasool khẳng định, các cuộc không kích của Mỹ là sự xâm phạm chủ quyền của Iraq, tạo ra mối đe dọa nguy hiểm đối với Iraq cũng như toàn Trung Đông. “Những cuộc tấn công này là sự vi phạm chủ quyền của Iraq, làm suy yếu những nỗ lực của Chính phủ Iraq và là mối đe dọa sẽ kéo Iraq và khu vực vào những hậu quả không mong muốn. Hậu quả đó sẽ rất nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định ở Iraq và khu vực”, người phát ngôn trên được hãng thông tấn quốc gia Iraq dẫn lời nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria cho cho rằng hành động mới nhất của Mỹ đã khiến căng thẳng ở Trung Đông leo thang một cách rất nguy hiểm.
Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự
Triều Tiên ngày 28/1 đã phóng tên lửa hành trình chiến lược “Pulhwasal-3-31” từ một tàu ngầm, đánh trúng các mục tiêu định trước trên một hòn đảo ở vùng biển phía Đông nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng thử tên lửa hành trình từ tàu ngầm và dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un đã “bày tỏ hết sức hài lòng” với kết quả của vụ phóng. Đây là vụ phóng tên lửa hành trình thứ 2 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay, sau khi nước này phóng thử tên lửa hành trình chiến lược mang tên Pulhwasal-3-31 về phía Hoàng Hải hôm 24/1.
Chỉ hai ngày sau khi phóng thử tên lửa hành trình từ bờ biển phía Đông, ngày 30/1, Triều Tiên đã phóng tiếp một số tên lửa hành trình từ bờ biển phía Tây của nước này. Cùng ngày, Triều Tiên đã tiến hành diễn tập phóng tên lửa hành trình chiến lược, trong đó tên lửa Hwasal-2 đã được phóng trong cuộc diễn tập được tiến hành tại bờ biển phía Tây Triều Tiên. Cuộc diễn tập góp phần kiểm tra thế trận phản công nhanh của quân đội Triều Tiên và cải thiện khả năng tấn công chiến lược.
Đến ngày 2/2, Triều Tiên lần thứ 4 trong năm 2024, phóng nhiều tên lửa hành trình hướng ra ngoài khơi bờ biển phía Tây của Bán đảo Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định các vụ phóng thử tên lửa hành trình và hoạt động diễn tập “không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với an ninh của một nước láng giềng và không liên quan tới tình hình khu vực”.
Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết quân đội đang tăng cường giám sát và cảnh giác, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mỹ để theo dõi các dấu hiệu cũng như hoạt động tiếp theo của Triều Tiên.
Israel rút quân khỏi phía Bắc Dải Gaza
Ngày 1/2, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) lần đầu tiên rút khỏi các khu vực rộng lớn ở phía Bắc Dải Gaza kể từ khi mở chiến dịch trên bộ tại vùng lãnh thổ này. Hoạt động rút quân diễn ra sau các báo cáo cho thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas có thể thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và việc Hamas thả những người Israel mà lực lượng này còn bắt giữ. Trong khi đó, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết đang nghiên cứu thỏa thuận chấm dứt xung đột được đề xuất tại các cuộc thảo luận ở Paris (Pháp) trước đó, nhưng chưa có phản hồi chính thức.
Sau khi Israel rút quân, hàng chục người dân đã trở lại các khu vực đó để kiểm tra lại nhà cửa của họ trong khi một số khác tìm kiếm thi thể của những người Palestine xấu số thiệt mạng trong các cuộc tấn công.
Hiện chưa rõ việc rút quân này là lâu dài hay chỉ là hoạt động tái bố trí của các lực lượng Israel. Chính quyền Tel Aviv chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này. Cùng ngày, quân đội Israel đã thả 114 người Palestine qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía Nam Dải Gaza. Đây là những người bị phía Israel bắt giữ trong các chiến dịch trên bộ của quân đội nước này.
Cũng trong ngày 1/2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố các lực lượng nước này đã chính thức đánh bại lực lượng Hamas ở thành phố Khan Yunis, miền Nam Dải Gaza. Theo ông Gallant, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã giành thêm thắng lợi ở “thủ đô kháng chiến” Khan Yunis.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Ngày 30/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Mức dự báo mới cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF vào tháng 10/2023.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva ngày 1/2 cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro lớn hơn nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất quá sớm. Phát biểu với báo giới tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington (Mỹ), bà Kristalina Georgieva cho biết: “Sau khi xem xét các dữ liệu trong quá khứ, IMF kết luận rằng nếu nới lỏng lãi suất sớm thì nguy cơ sẽ cao hơn”. Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cảnh báo “không nên thắt chặt nếu không cần thiết”. Bà kêu gọi các ngân hàng "cần hành động dựa trên dữ liệu thực tế".
Theo bà Georgieva, kinh tế Mỹ sắp đạt được trạng thái “hạ cánh mềm” khi các nhà hoạch định chính sách đưa lạm phát trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế. Lời cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết hầu hết các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đều ủng hộ cắt giảm lãi suất trong năm 2024, song ít khả năng quyết định sẽ được đưa ra ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới.
Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các ngân hàng khác đã giữ lãi suất ở mức cao trong những tháng gần đây nhằm nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Trong bối cảnh lạm phát đang giảm ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới, giờ đây sự chú ý đã chuyển sang thời điểm nên bắt đầu cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Đầu tuần này, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết các nhà hoạch định chính sách tin tưởng rằng việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra song chưa cam kết thời gian cụ thể.