Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa lần thứ 15
Khả năng chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, bắt đầu từ ngày 1/10, gần như chắc chắn sẽ xảy ra, sau khi dự luật cấp ngân sách tạm thời, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã bị bác bỏ vào ngày 30/9 do sự phản đối của 21 nghị sỹ đảng Cộng hòa và toàn bộ nghị sỹ đảng Dân chủ. Tỷ lệ bỏ phiếu là 198 phiếu thuận/232 phiếu chống.
Kịch bản chính phủ đóng cửa có thể khiến hàng triệu nhân viên liên bang và quân nhân phải tạm thời nghỉ việc hoặc bị chậm trả lương, trong khi hàng loạt dịch vụ tạm ngừng hoạt động. Theo Nhà Trắng, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần sẽ làm trì hoãn gần 2.000 dự án dài hạn về phục hồi sau thiên tai. Không chỉ vậy, nhiều dự án tái thiết cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng Lael Brainard cảnh báo việc chính phủ đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với những yếu tố không chắc chắn.
Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt thỏa thuận tránh để chính phủ phải đóng cửa trong năm nay, qua đó chấm dứt tranh cãi liên quan đến mức trần nợ công liên bang và đặt mục tiêu ngân sách 1.590 tỷ USD cho tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã bác bỏ thỏa thuận, yêu cầu cắt giảm thêm 120 tỷ USD trong mức ngân sách này.
Kể từ năm 1980, chính phủ Mỹ đã có tổng cộng 14 lần đóng cửa. Lần gần đây nhất kéo dài 35 ngày, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây là lần đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, do bất đồng giữa Tổng thống và Quốc hội về việc tài trợ cho bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư trái phép.
Các nước nghèo ‘quay cuồng’ với dịch bệnh
Trong tuần qua, một loạt các nước kém phát triển trên thế giới công bố đang trải qua những đợt dịch truyền nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 24/9, Bộ Y tế Bangladesh công bố số liệu cho thấy từ đầu năm tới nay, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận 187.725 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 900 trường hợp tử vong.
Theo thống kê của bộ trên, tháng 8 là tháng có số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất. Trong số 909 ca tử vong từ đầu năm, có tới 342 ca tử vong trong tháng 8. Số ca tử vong trong tháng 9 và tháng 7 lần lượt là 316 ca và 204 ca.
Theo giới chuyên gia, giai đoạn mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm là thời điểm sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Bangladesh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus lây truyền qua muỗi như sốt chikungunya, sốt vàng da và Zika đang lây lan nhanh và nhiều hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.
Tại Zimbabwe, dịch tả quay trở lại đã khiến 12 trường hợp tử vong trong số 152 ca bệnh được phát hiện trong tháng qua. Đợt bùng phát dịch tả mới đã được báo cáo tại huyện Buhera thuộc tỉnh Manicaland của nước này.
Dịch tả bùng phát thường xuyên ở Zimbabwe, kể cả ở thủ đô Harare của nước này, do điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Theo Bộ Y tế và Chăm sóc trẻ em Zimbabwe, kể từ tháng 2 năm nay trên cả nước đã ghi nhận 4.160 trường hợp nghi mắc bệnh tả, trong đó 20 trường hợp tử vong được xác nhận và 94 trường hợp nghi tử vong do mắc bệnh.
Mới đây, hơn 56.000 trường học tại Pakistan phải đóng cửa vì dịch đau mắt. Punjab – tỉnh đông dân nhất Pakistan – đã ghi nhận tới 357.000 ca đau mắt đỏ kể từ đầu năm nay. Theo người phát ngôn Sở Giáo dục tỉnh Punjab, giải pháp này được hy vọng là sẽ giúp phá vỡ chu kỳ lây lan bệnh trên địa bàn tỉnh. Chính quyền tỉnh Punjab cho biết thêm rằng học sinh sẽ được kiểm tra ngay tại cổng trường khi trường học mở cửa trở lại vào ngày 2/10 tới. Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng mắt gây đỏ, ngứa và chảy nước mắt và có thể lây lan qua tiếp xúc bằng tay, cũng như ho và hắt hơi.
Hơn 100.000 người vùng Nagorny-Karabakh di tản tới Armenia
Chính quyền địa phương cho biết, tính đến ngày 30/9, hơn 100.000 người Armenia đã di tản khỏi Nagorny-Karabakh sau chưa đầy một tuần Azerbaijan tiếp quản.
Hàng chục nghìn người gốc Armenia đã rời khỏi Nagorny-Karabakh sau chiến dịch quân sự thành công của Azerbaijan vào tuần trước nhằm khôi phục quyền kiểm soát đối với khu vực này.
Làn sóng di tản này bùng phát sau khi Azerbaijan dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 10 tháng trên con đường huyết mạch duy nhất nối vùng đất này với Armenia. Hành trình của những người này tới biên giới Armenia chỉ có 77 km nhưng lại kéo dài ít nhất 30 tiếng đồng hồ do tình trạng tắc đường. Những người tháo chạy cho biết họ không muốn sống dưới sự cai trị của Azerbaijan vì sợ sẽ phải đối mặt với áp bức.
Trước cáo buộc của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng hành động cho phép người gốc Armenia tháo chạy khỏi vùng Nagorny-Karabakh là hành động thanh lọc sắc tộc, để cho không còn người Armenia tại khu vực này, giới chức Azerbaijan phủ nhận. Họ khẳng định không ép buộc người dân rời đi và sẽ tái hòa nhập khu vực Karabakh một cách hòa bình, đồng thời đảm bảo quyền công dân của người dân tộc Armenia.
Trong một diễn biến liên quan, một người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết tổ chức này sẽ cử một phái bộ đến vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh vào cuối tuần, chủ yếu để đánh giá nhu cầu nhân đạo.
Theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, với sứ mệnh của phái bộ này, LHQ sẽ tiếp cận được vùng Nagorny-Karabakh lần đầu tiên trong khoảng 30 năm qua.
“Gỡ rối” cho lượng ngũ cốc dư thừa của Ukraine
Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc họp báo ngày 23/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) nên mua lại số ngũ cốc Ukraine đang dư thừa và chuyển chúng tới các nước châu Phi có nhu cầu.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố Vacsava sẵn sàng đảm bảo trung chuyển ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan để đưa tới các nước nghèo nhất ở châu Phi và châu Á.
Sau khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực hồi tháng 7 vừa qua, ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine dự kiến được vận chuyển thông qua Liên minh châu Âu (EU) đến châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, do các vấn đề hậu cần, ngũ cốc ứ đọng tại Trung Âu và ảnh hưởng đến thị trường một số nước khiến EU hạn chế nhập khẩu một số loại lương thực từ Ukraine vào 5 quốc gia thành viên, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria.
Mặc dù về sau EU đã dỡ bỏ lệnh hạn chế tạm thời này, Ba Lan cùng Hungary và Slovakia vẫn gia hạn lệnh cấm, dẫn đến căng thẳng leo thang giữa các nước. Ukraine đã gửi đơn khiếu nại lên WTO. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Ukraine, Taras Kachka vừa cho biết Kiev có thể rút đơn khiếu nại Ba Lan, Hungary và Slovakia ở WTO nếu 3 nướcnày cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Ukraine trong tương lai.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm ngoái, đã cho phép thực hiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác một cách an toàn từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Moskva đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7, cáo buộc phương Tây không thực hiện cam kết đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng Nga. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ vẫn chưa thuyết phục được Nga quay lại thỏa thuận này.