Nhiệm kỳ mới, mục tiêu mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Trưa 7/5 theo giờ Moskva, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Putin đã diễn ra tại Đại cung điện Kremlin trước sự tham dự của hàng nghìn khách mời cũng như hàng triệu người chứng kiến qua truyền hình. Đặt tay phải lên cuốn Hiến pháp Liên bang Nga và đọc lời tuyên thệ dài 33 từ, ông Putin chính thức trở thành tổng thống Nga trong một nhiệm kỳ mới kéo dài sáu năm, với tuyên bố nước Nga sẽ trỗi dậy "mạnh mẽ hơn" sau giai đoạn biến động.
Trong bài phát biểu của buổi lễ nhậm chức, Tổng thống Putin đã nêu bật được những ưu tiên của chính quyền Nga trong thời gian tới.
Về chính sách trong nước, hệ thống nhà nước Nga duy trì sự ổn định nhưng phải tạo điều kiện cho đổi mới và phát triển. Các quyết định liên quan đến sự phát triển của đất nước và khu vực cần phải hiệu quả, công bằng, đồng thời góp phần cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình.
Về phát triển kinh tế và công nghệ, ông Putin đề ra mục tiêu đưa Nga trở thành quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) đứng vị trí thứ 4 toàn cầu chậm nhất vào năm 2030, đưa Nga vào Top 10 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển vào năm 2030.
Về chính sách đối ngoại, Nga sẽ tăng cường quan hệ với tất cả các quốc gia coi nước này là đối tác đáng tin cậy. Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục có những hành động nhằm kiềm chế sự phát triển của Nga, Tổng thống Putin khẳng định Moskva không từ chối đối thoại với họ, sẵn sàng trao đổi về các vấn đề, bao gồm an ninh và ổn định chiến lược, trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. Cùng với các đối tác, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực hình thành một trật tự thế giới đa cực và hệ thống an ninh bình đẳng, không thể chia cắt.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm nay, ông Putin đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 với trên 87% số phiếu ủng hộ - một tỉ lệ cao kỷ lục. Trước đó, ông đã 4 lần đắc cử tổng thống Nga vào các năm: 2000 (với 52,94% số phiếu), 2004 (với 71,31%), 2012 (với 63,6%) và năm 2018 (với 76,69%).
Trong gần 1/4 thế kỷ, Tổng thống Putin đã khẳng định được năng lực bảo vệ đất nước và tinh thần phục vụ nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa quân đội. Kết quả chiến thắng với số phiếu ủng hộ kỷ lục đã tái khẳng định sự tín nhiệm cao của người dân vào khả năng lãnh đạo của ông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 3 nước châu Âu
Từ ngày 5 đến 10/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Liên minh châu Âu (EU) trong gần 5 năm qua.
Trong cuộc gặp ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Điện Elysee, ông Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc coi EU như một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao và là đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa đất nước, và hi vọng củng cố lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng Trung Quốc và EU cùng ủng hộ hòa bình và an ninh nhưng mối quan hệ song phương đang đứng trước thách thức liên quan các vấn đề tiếp cận thị trường và thương mại.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật tầm nhìn hợp tác chiến lược với Pháp.
Tại Serbia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã ký thỏa thuận chung về việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược song phương và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc- Serbia trong kỷ nguyên mới, đánh dấu Serbia là nước phương Tây đầu tiên tham gia mô hình này.
Tại Hungary, Trung Quốc và Hungary nhất trí thúc đẩy hợp tác sâu rộng và chặt chẽ hơn nữa. Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban Trung Quốc và Hungary, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh của thời đại mới.
Chuyến thăm được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với EU nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.
Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới bật tăng
Giá vàng thế giới giao ngay trong ngày 9/5 đã tăng 1,4% lên 2.339,7 USD/ounce sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ cho biết đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng, làm dấy lên hy vọng lực lượng lao động suy giảm có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm giảm lãi suất. Trước đó, quan chức Fed nhiều lần tuyên bố động thái cắt giảm lãi suất sẽ không sớm diễn ra do tiến triển về lạm phát đã chững lại trong vài tháng gần đây và chưa có bằng chứng cho thấy lãi suất hiện tại chưa đủ thắt chặt để kéo giảm lạm phát về 2%.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã được điều chỉnh theo mùa là 231.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, tăng 22.000 so với tuần trước đó.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác lại đưa ra những dấu hiệu đáng khích lệ về việc giảm chi phí đi vay. Ngân hàng Anh (BoE) giữ lãi suất ổn định song cho biết họ đang tiến gần hơn đến việc hạ lãi suất và ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Ngoài ra, giá vàng cũng được thúc đẩy nhờ báo cáo tích cực về nền kinh tế Trung Quốc, khi xuất khẩu tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 4. Trung Quốc là nhân tố chủ chốt trên thị trường vàng. Hội đồng vàng thế giới lưu ý rằng đây là một trong những quốc gia mua vàng lớn nhất trong quý đầu tiên của năm 2024.
Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở Rafah
Sáng 7/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố họ đang tiến hành “chiến dịch chống khủng bố chính xác ở khu vực phía đông Rafah” trong nỗ lực loại bỏ Hamas. Các xe quân sự của Israel được nhìn thấy đang chạy dọc biên giới Ai Cập - Gaza ở phía đông Rafah cùng ngày. Rafah hiện là nơi hơn 1 triệu người dân Palestine đang tránh trú tạm thời kể từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel hồi tháng 10 năm ngoái.
IDF tuyên bố đã thiết lập quyền kiểm soát hoạt động ở phía Gaza của cửa khẩu Rafah. Theo đó, lực lượng bộ binh và không quân Israel đã phá hủy các công trình quân sự của Hamas trong khu vực, tuyên bố tiêu diệt khoảng 20 tay súng. Các cuộc không kích diễn ra gần những khu dân cư đã nhận được lệnh sơ tán. IDF cho biết giới chức đã kêu gọi người dân địa phương sơ tán đến khu vực nhân đạo mở rộng ở Al-Mawasi, nằm trên bờ biển và cách xa giao lộ Rafah.
Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Israel, Nhà Trắng ngày 9/5 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng chiến dịch này sẽ không thúc đẩy mục tiêu đánh bại phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Không chỉ vậy, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, chiến dịch quân sự lớn ở Rafah sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong những cuộc đàm phán giải thoát con tin với Hamas.
Trong một diễn biến khác, một quan chức cấp cao của Israel cùng ngày cho biết vòng đàm phán hiện nay ở Cairo (Ai Cập) về thỏa thuận trả tự do cho các con tin đã kết thúc mà không có giải pháp rõ ràng do những bất đồng. Theo quan chức trên, phái đoàn Israel đã trở về nước và Tel Aviv sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự như kế hoạch đã định.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản bác cảnh báo từ Mỹ tạm dừng cung cấp một số loại vũ khí cho Israel nếu tấn công Rafah, khẳng định nước này sẵn sàng hành động độc lập trong trường hợp cần thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 8/5 xác nhận nước này đã dừng một đợt vận chuyển đạn dược cho Israel, thể hiện lập trường phản đối của Washington đối với chiến dịch quân sự của Israel ở thành phố Rafah.
Nga tăng cường tấn công Ukraine trước khi Mỹ chi viện vũ khí
Nga đã tăng cường gấp đôi các cuộc tấn công vào Donbass trong thời gian vừa qua, đánh dấu những bước tiến đáng kể trong khi Ukraine mòn mỏi chờ đợi nguồn cung vũ khí từ phương Tây.
Theo các quan chức Ukraine, ngày 10/5, các lực lượng Nga đã thực hiện hai cuộc tấn công xuyên biên giới bên trong miền Bắc Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi đây là làn sóng hành động phản công mới của Nga.
Trong vụ đầu tiên, binh sĩ Nga đã xâm nhập ít nhất 1 km về phía thị trấn Vovchansk. Theo nguồn tin quân sự Ukraine, mục đích của phía Nga là tiến sâu 10 km và tạo vùng đệm ở biên giới để bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi tác động của chiến tranh.
Trong khi đó, lực lượng Nga cũng đã xâm nhập 5 km vào lãnh thổ Ukraine về phía làng Krasne, nằm cách biên giới khoảng 75 km, phía Tây Vovchansk.
Báo quân sự hàng ngày từ Ukraine cho thấy Nga có nhiều binh sĩ được bố trí dọc biên giới, ước tính khoảng 40.000 người.
Những diễn biến này đánh dấu cuộc tấn công trên bộ xuyên biên giới lớn nhất của Nga kể từ khi Ukraine tái chiếm Kharkov vào cuối mùa hè năm 2022. Các diễn biến này cũng xảy ra sau vài tháng Nga gia tăng các cuộc không kích vào thành phố Kharkov, phá hủy toàn bộ công suất sản xuất điện cũng như các trạm biến thế của thành phố này.
Thời gian qua lực lượng Ukraine phải trả giá thực sự trên chiến trường cả về lãnh thổ và thương vong do tình trạng thiếu hụt về vũ khí. Sự chậm trễ kéo dài nhiều tháng trong việc phê duyệt khoản tài trợ của Mỹ đã được giải quyết vào tháng trước khi Hạ viện thông qua gói tài trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, để vũ khí đến được Ukraine cần thời gian. Giới phân tích nhận định các lực lượng Nga dự kiến cố gắng đạt được nhiều kết quả hơn nữa trước khi cánh cửa cơ hội đóng lại.