Nghi ngờ Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga, phương Tây vạch "lằn ranh đỏ" với Bắc Kinh
Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều đã phát đi những cảnh báo về “lằn ranh đỏ” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine mà Trung Quốc không nên vượt qua, nếu không muốn nhận hậu quả nghiêm trọng.
Tuần qua, chính phủ Mỹ và NATO đều đã thông báo về những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí sát thương cho Nga. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Washington rất lo ngại việc Trung Quốc đang xem xét cung cấp hỗ trợ vật chất quân sự cho chiến dịch của Nga tại Ukraine. Quan chức này khẳng định rằng điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về phần mình, Đặc phái viên Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói với CNN hôm 19/2 rằng bất kỳ quốc gia nào viện trợ sát thương cho Moskva trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đều sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Washington.
Ngày 23/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh quân sự này đã thấy những dấu hiệu nguy hiểm tương tự từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên thực hiện bất kỳ động thái nào như vậy. Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi chưa thấy các nguồn viện trợ sát thương từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi đã thấy các dấu hiệu họ đang xem xét và có thể lên kế hoạch cho việc này”.
Cũng trong ngày 23/2, tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin song không trích dẫn nguồn cụ thể cho biết rằng Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái (UAV), trong đó thời gian giao hàng là tháng 4 tới.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ không nắm được thông tin về cuộc đàm phán mua UAV kể trên. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ đó là thông tin sai lệch. Bộ trên khẳng định những thông tin tình báo về việc nước này chuyển giao vũ khí cho Nga chỉ là suy đoán và nhằm bôi nhọ Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ thăm Kiev, tái khẳng định ủng hộ với Ukraine
Ngày 20/2, sau hành trình di chuyển đầy bí mật, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có mặt tại Kiev để gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chuyến thăm đã khiến cả thế giới bất ngờ vì theo lịch trình ngày 20/2 mà Nhà Trắng công khai, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn ở thủ đô Washington và chuẩn bị cho chuyến đi tới Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên, trên thực tế vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã tới Ukraine. Sau chuyến thăm, ông Biden nêu rõ: “Như tôi đã nói với Tổng thống Zelensky khi chúng tôi hội đàm ở Kiev hôm qua, tôi có thể khẳng định rằng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine vẫn không thay đổi”.
Theo BBC, đây là một chuyến đi táo bạo gần như chưa từng có đối với một Tổng thống Mỹ. Xuất hiện tại một vùng chiến sự thường xuyên bị tấn công, các quan chức Nhà Trắng mô tả chuyến thăm bất ngờ của ông Joe Biden tới thủ đô Kiev của Ukraine là chưa từng có trong thời hiện đại.
Đồng quan điểm, tờ “The Hill” cũng nhấn mạnh đây là một chuyến thăm chưa từng có tiền lệ. Tổng thống Mỹ chưa bao giờ tới thăm một nước đang có chiến tranh mà lại không có sự hiện diện của quân đội Mỹ, chứ chưa nói đến việc quân đội Mỹ không nắm quyền kiểm soát các mạng lưới hạ tầng thiết yếu.
Tại Kiev, ông Biden cam kết viện trợ quân sự thêm 500 triệu USD cho Ukraine, nói rằng sẽ chuyển giao nhiều thiết bị quan trọng, bao gồm đạn pháo, hệ thống chống thiết giáp và radar giám sát trên không. Còi báo động không kích đã vang lên ở Kiev trong chuyến thăm, nhưng không có báo cáo nào về các cuộc không kích của Nga vào thời điểm đó.
Chuyến thăm Ukraine diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột khi cả Moskva và Kiev đều chuẩn bị cho các cuộc tấn công mùa xuân nhân sự kiện tròn 1 năm giao tranh nổ ra. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng đang tìm cách duy trì sự thống nhất ủng hộ của các đồng minh, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo các nhà quan sát, chuyến công du Ukraine không báo trước của Tổng thống Biden cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, đồng thời muốn chứng tỏ Kiev vẫn tiếp tục đứng vững qua 1 năm chiến tranh, trái ngược hẳn với những dự đoán khi cuộc chiến mới nổ ra. Dù vậy, Nga vẫn tỏ ra quyết tâm theo đuổi cuộc chiến và triển vọng kết thúc chiến sự vẫn còn xa vời.
Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang
Ngày 21/2, tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moskva, Tổng thống Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga. Sự kiện này đặc biệt gây chú ý vì đây là thông điệp đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Thông điệp đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng, khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Nga đối với các chính sách của phương Tây.
Theo đài Sputnik, Tổng thống Nga đã đưa ra một thông báo lớn trong bài phát biểu, nói rằng Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Ông nói: “Hôm nay, tôi phải thông báo rằng Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Tôi xin nói lại lần nữa rằng Nga không rút khỏi hiệp ước, mà cụ thể là đình chỉ tham gia”.
Theo ông Putin, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư liên quan đến New START mà Nga không thể chấp nhận được. Ông Putin cho rằng thông qua các đại diện của NATO, trên thực tế, Mỹ đang đưa ra một tối hậu thư là Nga phải thực hiện mọi thứ đã nhất trí, gồm cả Hiệp ước START, còn Mỹ sẽ hành xử theo ý mình.
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu, Tổng thống Nga chủ yếu tập trung vào tình hình ở Ukraine, nơi Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt kể từ ngày 24/2/2022. Ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không gây chiến với người dân Ukraine. Ông cho rằng người dân Ukraine là “con tin” trong cuộc xung đột vì Ukraine đang bị sử dụng làm công cụ và bệ phóng cho cuộc xung đột chống Nga.
Ngoài ra, Tổng thống Putin chỉ ra rằng Nga đã dành nhiều năm để tìm kiếm cuộc đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm đề xuất một hệ thống an ninh chung dựa trên sự bình đẳng đều vấp phải phản ứng. Tông thống Putin cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang chơi trò chơi nước đôi trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm hiện nay chống lại Nga ở Ukraine giống như trong trường hợp của các quốc gia khác như Nam Tư cũ, Iraq, Libya, Syria.
Ông Putin cũng tuyên bố phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng sau chiến dịch tại Ukraine, nhưng không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng ngược, dội lại bên trừng phạt và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng.
Xung đột ở Ukraine tròn 1 năm
Ngày 24/2 đánh dấu mốc tròn 1 năm giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, kéo theo vô số thiệt hại nặng nề không chỉ cho hai quốc gia tham chiến mà còn gây tác động xấu trên khắp thế giới.
Với Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra những mất mát nghiêm trọng về sinh mạng, gây bất ổn xã hội và tạo ra vết nứt kinh tế lớn. Theo tiết lộ với hãng tin BBC ngày 2/12/2022 của cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ vào ngày 24/2/2022, ước tính có khoảng 10.000 – 13.000 quân nhân nước này đã thiệt mạng. Đáng chú ý là hồi tháng 6/2022, mỗi này có từ 100 – 200 quân nhân Ukraine tử trận.
Ngày 15/2, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) dẫn thống kê của các nhà kinh tế thuộc Đại học St. Gallen của Thụy Sĩ cho biết, trong năm 2022, hơn 1.400 công ty đã quyết định rời khỏi Nga, bao gồm các nhà sản xuất điện tử, nhà bán lẻ, nhà sản xuất ô tô, thương hiệu quần áo và thực phẩm, khách sạn, ngân hàng và chuỗi nhà hàng.
Sau khi xây dựng được cơ sở cho việc đa dạng hoá nguồn cung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào ngành năng lượng Nga ngày càng siết chặt. Tháng 8/2022, EU cấm nhập khẩu than đá của Nga; tháng 12 cấm nhập cấm nhập dầu thô Nga bằng đường biển và cùng với các nước G7, Australia áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển; tháng 2/2023 là cấm nhập nhiên liệu tinh chế từ Nga.
Xung đột Nga - Ukraine không chỉ tác động bất lợi tới hai nền kinh tế được coi là nguồn cung dầu khí hàng đầu và vựa ngũ cốc của thế giới, mà còn gây ra những biến động khó lường trên các thị trường năng lượng, lương thực, hàng hóa, tài chính toàn cầu.
Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các hệ thống lương thực, năng lượng và tài chính ước tính có khoảng 1,6 tỷ người ở 94 quốc gia phải đối mặt với ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Khoảng 1,2 tỷ người trong số họ sống ở các quốc gia dễ bị tổn thương nghiêm trọng bởi cả ba khía cạnh: lương thực, năng lượng và tài chính.
Chiều 23/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện của 75 nước đã có các bài phát biểu ngắn, trong đó nhiều nước bày tỏ ủng hộ nghị quyết kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Liên tục xảy ra động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ
Chiều 25/2, tức tròn 20 ngày sau thảm họa động đất cướp đi sinh mạng của hơn 47.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thêm một trận động đất mạnh đã khiến khu vực miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển. Đây là trận động đất thứ hai, tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng vốn đang chịu thiệt hại nặng nề sau thảm hoạ xảy ra vào rạng sáng 6/2.
Trước đó vào ngày 24/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã khởi động giai đoạn đầu công tác tái thiết sau những trận động đất kinh hoàng xảy ra trong tháng này. Theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà với kinh phí ít nhất 15 tỷ USD. Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) ước tính việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất sẽ tốn kém tới 25 tỷ USD.
Trong khi đó tại nước láng giềng Syria, Điều phối viên nhân đạo khu vực phụ trách khủng hoảng Syria của Liên hợp quốc Muhannad Hadi ngày 23/2 cho hay cơ quan này sẽ tăng cường chuyển hàng viện trợ tới khu vực Tây Bắc của Syria trong vài ngày tới nhằm hỗ trợ cho hàng triệu người bị ảnh hưởng do thảm họa động đất. Ông Hadi bày tỏ hy vọng trong tuần này sẽ sớm đạt được tần suất 40 chuyến xe/ngày, tăng gấp hai lần so với thời điểm trước khi xảy ra động đất, nhờ có thêm nguồn hàng viện trợ. Mặc dù vậy, vị điều phối viên này cho rằng kế hoạch tăng tần suất như trên vẫn không đủ để có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria.