Bão ‘quái vật’ Milton đổ bộ vào Florida, Mỹ
Tối 9/10 (giờ miền Đông nước Mỹ), Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ (NHC) thông tin bão Milton đã đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) với cường độ cấp 3, kèm theo mưa lớn, gió mạnh đạt với vận tốc tối đa lên tới190 km/giờ kèm theo lốc xoáy, khiến nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Trước khi đổ bộ, có những lúc cơn bão này mạnh lên cấp 5 - cấp cao nhất.
Theo Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, bão Milton đã tạo ra ít nhất 27 cơn lốc xoáy gây thiệt hại ở nhiều quận, phá hủy khoảng 125 ngôi nhà, hầu hết là nhà di động. NHC cũng đã ban hành 126 cảnh báo lốc xoáy trên toàn bang. Chuyên gia về bão Michael Lowry nhấn mạnh đây là số lượng cảnh báo lốc xoáy lớn nhất từng được ban hành trong một ngày của bang trong các hồ sơ có từ năm 1986.
Mặc dù ông DeSantis khẳng định bang đã tránh được “kịch bản xấu nhất”, song cơn bão Milton đã gây ra thiệt hại lớn trên đường di chuyển.
Tính đến ngày 11/10, ít nhất 17 người đã thiệt mạng với các nguyên nhân liên quan tới bão Milton và gần 3 triệu hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện. Trên đường đi của bão, hàng loạt cây cối và cột điện bị quật đổ.
Không chỉ vậy, bão Milton còn mang theo mưa lớn “ngàn năm có một”, khi khu vực thành phố St. Peterburgs, bang Florida đã chứng kiến lượng mưa kỷ lục lên tới 22,86cm trong vòng 3 giờ, tương đương lượng mưa trung bình của hơn 3 tháng gộp lại. Sau bão 2 ngày, NHC cảnh báo lũ quét nghiêm trọng tiếp tục diễn ra nên người dân vẫn cần phải thận trọng.
Bão Milton đổ bộ chỉ hai tuần sau khi một cơn bão lớn khác - Helene - tàn phá Florida và các bang khác ở miền đông nam nước Mỹ. Với ít nhất 230 người thiệt mạng, Helene là cơn bão gây chết chóc thứ hai từng tấn công lục địa Mỹ trong hơn nửa thế kỷ sau bão Katrina - cơn bão đã tàn phá bang Louisiana vào năm 2005, cướp đi sinh mạng của gần 1.400 người.
Lý giải nguyên nhân khiến cường độ của siêu bão Milton cùng những cơn bão khác ở Mỹ gần đây mạnh lên nhanh chóng, giới chuyên gia khí tượng nhận định hiện tượng nhiệt độ đại dương ấm lên đang là một yếu tố quan trọng. Nếu nhiệt độ đại dương tiếp tục tăng, những cơn bão trong tương lai đổ bộ vào nước Mỹ có thể mạnh lên nhanh hơn cả khả năng chuẩn bị và ứng phó của các cộng đồng dân cư nằm trên trên đường đi của chúng.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45: Thúc đẩy kết nối và tự cường
Từ 9-11/10, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở thủ đô Viêng Chăn, dưới sự chủ trì của Lào, nước Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024.
Tham dự hội nghị lần này có lãnh đạo các nước ASEAN và Timor Leste, các bộ trưởng và quan chức cấp cao 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao Timor Leste, Tổng Thư ký ASEAN và các bên liên quan. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 44 – 45 với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường, các lãnh đạo tập trung vào những vấn đề chiến lược, sát sườn với ASEAN và khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác sâu rộng, gắn kết chặt chẽ, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác là bài toán mà tất cả các nước cần chung tay tìm lời giải hữu hiệu.
Sau 4 ngày làm việc tích cực và khẩn trương, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, khép lại hợp tác ASEAN năm 2024 với nhiều kết quả thiết thực, để lại ấn tượng đậm nét về những đóng góp chủ động, tích cực và vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Lào, góp phần nâng cao tầm vóc của Cộng đồng ASEAN “kết nối và tự cường”, hướng tới giai đoạn phát triển mới của ASEAN với tầm nhìn mới, tư duy mới, động lực mới và tâm thế mới. Hội nghị đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Lào sang Malaysia.
Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chính thức công bố chủ đề của Năm ASEAN 2025 là “Inclusivity and Sustainability” (Bao trùm và Bền vững), thể hiện khát vọng thịnh vượng chung, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Israel dồn dập tấn công, căng thẳng Trung Đông chưa thể ‘hạ nhiệt’
Ngày 10/10, Israel đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào thủ đô Beirut của Liban, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 117 người khác bị thương. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất nhắm vào trung tâm Beirut kể từ khi Israel tăng cường chiến dịch nhắm vào lực lượng Hezbollah cách đây 2 tuần.
Cuộc không kích đặt mục tiêu vào một khu dân cư đông đúc gồm các tòa nhà chung cư và các cửa hàng nhỏ ở trung tâm thủ đô Liban. Trước đó, Israel chưa từng tấn công khu vực này, nơi cách xa vùng ngoại ô phía Nam Beirut, trụ sở của Hezbollah đã bị đánh bom nhiều lần trong những tuần qua.
Nguồn tin an ninh tiết lộ Wafiq Safa, người đứng đầu đơn vị liên lạc và điều phối của Hezbollah chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan an ninh Liban, được cho là mục tiêu của các cuộc không kích ngày 10/10, vẫn sống sót.
Vụ tấn công chết người diễn ra khi các quan chức Liên hợp quốc lên tiếng, bày tỏ quan ngại đối với sự an toàn của hơn 10.400 lính gìn giữ hòa bình của LHQ tại Liban (UNIFIL). Các hoạt động của lực lượng này đã gần như dừng lại kể từ cuối tháng 9, trùng với thời điểm Israel tăng cường chiến dịch chống lại Hezbollah.
Người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, Jean-Pierre Lacroix, cho biết UNÌIL đã quyết định điều động tạm thời khoảng 300 lính gìn giữ hòa bình đến các căn cứ lớn hơn vì sự an toàn của họ.
Không chỉ tại Liban, Israel đầu tuần này cũng tuyên bố tiếp tục chiến dịch phía Bắc tại Dải Gaza. Chỉ trong hai ngày 5-6/10, Israel đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ phía bắc Gaza, bao gồm các “cơ sở lưu trữ vũ khí, cơ sở hạ tầng ngầm và các địa điểm cơ sở hạ tầng quân sự bổ sung” của Hamas. Ít nhất 25 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi các cuộc không kích của Israel nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo và một trường học ở trung tâm lãnh thổ Gaza. Israel cho biết vào thời điểm đó, các thành viên lực lượng Hamas có mặt trong cả hai tòa nhà.
Ngoài ra, Israel còn tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào vào nhiều vị trí khác nhau ở Syria gây nhiều thiệt hại cho nước này.
Theo Cơ quan y tế tại Gaza, xung đột giữa Israel và Hamas từ tháng 10/2023 đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 42.065 người và 97.886 người bị thương. LHQ cho biết không còn nơi nào an toàn để di tản tại Dải Gaza, ít nhất 400.000 người đang mắc kẹt trong khu vực này. Còn theo WHO, hơn 10.000 bệnh nhân cần sơ tán y tế khẩn cấp đã không thể rời khỏi khu vực kể từ khi cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và phía Nam Gaza bị đóng vào tháng 5. Gần 1.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng ở Dải Gaza trong năm qua.
Chiến sự Ukraine rơi vào thế "giằng co"
Trong tuần qua, quân đội Nga chạy đua với thời gian, tìm cách giành thêm nhiều thị trấn nữa ở vùng Donbass, phía Đông Ukraine trước khi khu vực này bước vào mùa Thu mưa lớn kèm theo nhiệt độ giảm mạnh. Một trong những khu vực mà Mkssva tiến đánh dữ dội là thị trấn khai thác than đá Toretsk.
Quân đội Ukraine thừa nhận tình hình ở Toretsk, nơi có khoảng 1.200 thường dân vẫn còn lưu trú, hiện đang xấu đi và thậm chí bên bờ vực sụp đổ nếu như khu vực này không được tiếp thêm chi viện. Người phát ngôn quân đội trong khu vực Anastasia Bobovnikova ngày 7/10 cho biết quân đội Nga đã tiến vào vùng ngoại ô phía Đông của Toretsk và đang cố gắng tiến về phía mỏ trung tâm ở phía Tây thị trấn.
Theo các nhà phân tích quân sự, số phận của Toretsk phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có thể phân bổ kịp các đơn vị dự bị và đạn pháo đang khan hiếm để ngăn chặn Nga tiến xa hơn hay không. Hiện Ukraine vẫn buộc phải ưu tiên một số khu vực tiền tuyến hơn những khu vực khác do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực.
Cùng lúc, Nga đã tái triển khai khoảng 50.000 quân đến tỉnh Kursk trong nỗ lực đẩy lùi lực lượng Kiev khỏi lãnh thổ sau hơn 2 tháng giao tranh.
Theo trang tin quân sự Avia Pro, các đơn vị Nga đã đạt được đột phá qua tiền tuyến của lực lượng vũ trang Ukraine, tiếp tục cuộc tấn công ở một số khu vực, bao gồm các khu định cư Lyubimovka, Olgovka và làng Zelenyi Shlyakh của vùng Kursk.
Giải Nobel 2024 vinh danh cống hiến và tiến bộ nhân loại
Chiều 7/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã khai mạc mùa giải Nobel năm 2024 khi công bố giải thưởng Y Sinh thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Victor Ambros (sinh năm 1953) và Gary Ruvkun (sinh năm 1952) với việc phát hiện ra RNA siêu nhỏ (microRNA hay microARN), qua đó khám phá ra nguyên lý cơ bản chi phối cách thức điều hòa hoạt động của gene.
Tiếp đến, giải Nobel Vật lý năm 2024 thuộc về hai nhà khoa học John Joseph Hopfield - người Mỹ và Geoffrey Everest Hinton - người Canada gốc Anh nhờ những khám phá và phát minh cơ bản cho phép học máy sử dụng mạng lưới thần kinh nhân tạo.
Giải Nobel Hóa học năm 2024 thuộc về 2 công trình có tiềm năng lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để "giải mã" về protein. Các tác giả gồm Giáo sư David Baker thuộc Đại học Washington, Mỹ với công trình thiết kế các loại protein hoàn toàn mới dựa trên phương pháp tính toán, và hai nhà khoa học John M. Jumper (người Mỹ), Demis Hassabis (người Anh) đến từ công ty Google DeepMind với mô hình dự đoán cấu trúc protein.
Giải Nobel Văn học năm 2024 được trao cho nhà văn Han Kang vì những tác phẩm "văn xuôi giàu chất thơ mãnh liệt khi đối diện với những tổn thương trong quá khứ và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người". Những tác phẩm của bà cho thấy sự nhận thức độc đáo về mối liên hệ phức tạp giữa thể xác và tâm hồn, giữa sự sống và cái chết. Phong cách thơ mộng và đầy tính thử nghiệm đã đưa bà Han Kang trở thành nhà văn tiên phong trong văn xuôi đương đại.
Giải Nobel Hòa bình 2024 thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản vì "những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa".
Giải Nobel là biểu tượng của sự tiến bộ và nhân văn cao quý mà nhà phát minh Alfred Nobel để lại cho thế giới. Kể từ khi ra đời vào năm 1901, giải thưởng này đã ghi dấu những đóng góp vĩ đại của những người xuất sắc nhất trong các lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình.