Tín hiệu mới trong quan hệ Mỹ - Trung
Ngày 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao APEC ở San Francisco. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt trực tiếp sau hơn một năm.
Cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Tập lần này là kết quả của hàng loạt cuộc đàm phán giữa các nhân vật và quan chức cấp cao trong nội các Mỹ và Trung Quốc trong suốt 10 tháng qua trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng đang gia tăng.
Cuộc gặp kéo dài 4 giờ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc được cho là khởi đầu cho một thời kỳ mới trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn trở nên hỗn loạn sau khi Chủ tịch Hạ viện trước đây là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 và Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào tháng 2/2023.
Rõ ràng, trong bầu không khí căng thẳng bao trùm giữa hai siêu cường trong những năm gần đây, cuộc gặp thượng đỉnh lần này gần như là một bước tiến mới mà các nhà ngoại giao và chính trị gia của cả hai nước có thể dựa vào và qua đó có thể giúp giảm căng thẳng toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung cũng khẳng định bản chất cấu trúc của sự cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mục tiêu của hai bên trong ngắn hạn và trung hạn dường như là ổn định quan hệ bằng cách duy trì đối thoại và hợp tác thực chất trong những lĩnh vực có thể - bao gồm: thương mại, tài chính, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu, chính sách lương thực.
Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao gần 45 năm. Mối quan hệ giữa hai nước lúc lên lúc xuống nhưng luôn phát triển theo chiều hướng “xoắn ốc”. Trong hơn 6 năm qua, do cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ đã rơi xuống mức thấp trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể nói là liên tục đối đầu và khủng hoảng. Từ nửa cuối năm nay, quan chức cấp cao hai nước mới thường xuyên thăm viếng và trao đổi với nhau, nhờ đó quan hệ giữa hai nước mới có bước chuyển biến.
APEC: Tầm nhìn hướng đến tương lai
Ngày 16/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã khai mạc tại in San Francisco (Mỹ), với mục tiêu xây dựng một APEC gắn kết hơn, đổi mới hơn và bao trùm hơn.
Đây là lần thứ ba Mỹ đăng cai tổ chức hội nghị APEC kể từ năm 2011, đánh dấu đúng 30 năm kể từ hội nghị này lần đầu tiên cũng được tổ chức tại nền kinh tế này.
Sau nhiều năm tập trung vào phục hồi sau đại dịch, năm 2023 được đánh giá là “năm bản lề” đối với APEC - thời điểm mà các nền kinh tế có thể tái tập trung vào việc xây dựng kinh tế bền vững về lâu dài giữa lúc các lãnh đạo doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rủi ro kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh ở Trung Đông và châu Âu cũng như nền kinh tế hậu đại dịch vẫn còn mong manh.
Việc Mỹ đăng cai tổ chức diễn đàn năm nay nhận được sự hoan nghênh của hầu hết các thành viên APEC. Với chủ đề “Kiến tạo một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”, nước chủ nhà Mỹ nhấn mạnh ba ưu tiên “kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm” trong xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, liên kết để nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn cho chuỗi cung ứng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng cao nhằm kết nối giữa các nền kinh tế và đặt nền tảng cho sự phát triển trên diện rộng.
Đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng vai trò của APEC - với tư cách là nơi ươm mầm các ý tưởng, nỗ lực thúc đẩy các giải pháp mới nhằm giải quyết một số thách thức khó khăn nhất mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt - từ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đến hình thành nền kinh tế kỹ thuật số, nâng cao năng lực người lao động và doanh nghiệp.
Bao trùm để tăng tính toàn diện và giải phóng tiềm năng chưa được khai thác của con người, cho dù đó chỉ là tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ, hỗ trợ các doanh nhân bản địa tiếp cận nguồn vốn hay trong một lĩnh vực vĩ mô hơn nhiều, đó là khai thác các hệ thống vệ tinh để mở rộng kết nối đến các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Tóm lại, thúc đẩy thương mại, bảo vệ chuỗi cung ứng và chống khủng hoảng khí hậu là những điểm nổi bật tại Hội nghị cấp cao APEC lần này. Hội nghị này diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp xoa dịu các lo ngại trong khu vực bằng cách nhất trí giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Israel đối mặt với áp lực chấm dứt tấn công ở Gaza
Theo Thời báo Israel (Timesofisrael.com) ngày 17/11, quân đội Israel đang ngày càng siết chặt vòng vây với Hamas ở Dải Gaza bằng chiến dịch quân sự của Lực lượng Phòng vệ nước này (IDF). Tuy nhiên, Chính phủ Israel ngày càng bị thúc ép phải chấm dứt chiến dịch của họ càng sớm càng tốt. Đó là nguyên nhân Ngoại trưởng Israel Eli Cohen mới đây thừa nhận rằng Tel Aviv sẽ sớm chịu áp lực quốc tế phải ngừng hoạt động trong vòng khoảng ba tuần.
Do đó, cuộc tấn công hiện tại của Israel ở Dải Gaza có thể bị hạn chế do giới hạn về thời gian, bất chấp các tuyên bố khẳng định của các nhà lãnh đạo Israel từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant rằng nước này sẽ cần nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Hơn 30 ngày tham chiến, Israel đã nắm quyền kiểm soát phía Bắc Gaza, cắt đôi vùng lãnh thổ đông đúc này và có lẽ đã sẵn sàng tiến xuống phía Nam Gaza. Cho đến nay, hơn 50 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong giao tranh. Israel đã phá hủy gần 150 đường hầm của Hamas nhưng vẫn chưa tìm thấy hệ thống đường hầm phức tạp trải dài hàng trăm km bên dưới Gaza. Uy tín của Israel có thể bị nghi ngờ nếu đường hầm không được phát hiện.
Cùng với việc số dân thường Palestine thiệt mạng cao, đã vượt mốc 11.000 người, cũng như hơn một triệu người Palestine phải di dời, đã tạo ra cảm giác bất an và một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quy mô lớn. Điều này cũng không tối cho Israel.
Ngay cả Mỹ, đồng minh chính của Israel, cũng bày tỏ sự lo ngại về tổn thất nhân mạng ngày càng tăng trong cuộc xung đột này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng "có quá nhiều người Palestine" đã thiệt mạng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông Barbara Leaf đã thừa nhận rằng thương vong của người Palestine có thể “thậm chí còn cao hơn” so với những gì truyền thông đưa tin.
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tuyên bố trong một bài phát biểu gần đây rằng có điều gì đó “rõ ràng là sai” trong hoạt động của Israel, do số người Palestine thiệt mạng rất cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ Israel ở mức độ đáng kể, nhưng ông cũng kêu gọi Tel Aviv tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, hành động kiềm chế, nhắm mục tiêu chính xác hơn, tạo hành lang nhân đạo và cho phép vận chuyển có giám sát hàng hóa, nhiên liệu cho bệnh viện, nhà máy điện.
Vào ngày 15/11, ông Biden lại tán thành cuộc tấn công của Israel, nói rằng IDF có thể tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas. Bất chấp sự ủng hộ về mặt chính trị và quân sự của Tổng thống Biden, Israel vẫn đang chịu áp lực mạnh mẽ từ đa số các quốc gia trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Cùng ngày (15/11), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc chiến Israel - Hamas, kêu gọi tạm dừng giao tranh ở Dải Gaza vì lý do nhân đạo và tạo ra nhiều hành lang viện trợ nhân đạo hơn, trong đó Mỹ, Nga và Anh bỏ phiếu trắng. Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan cho rằng nghị quyết này “không có ý nghĩa” và “không liên quan đến thực tế”.
Thế bế tắc trong xung đột Nga - Ukraine
Trong tuần vừa qua, cuộc xung đột ở Ukraine vẫn diễn ra quyết liệt trên nhiều hướng, tuy nhiên không có những đột phá mang tính bước ngoặt.
Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) ngày 17/11, giao tranh tiếp tục nổ ra ở các mặt trận chính giữa lực lượng Nga và Ukraine như tại Avdiivka, Bakhmut, dọc ranh giới khu vực Donetsk và Zaporizhzhia. Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine báo cáo rằng 9 trong số 10 máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ vào đêm 17/11 ở các vùng Odessa và Starokonstantynów ở Khmelnytsky. Trước đó, Lực lượng Không quân Ukraine thông bao các lực lượng Nga đã phóng tên lửa S-300 nhắm vào tỉnh Kharkiv và lực lượng Ukraine đã phá hủy một tên lửa hành trình Kh-59 ở tỉnh Poltava vào tối 15/11.
Trong khi đó, phía Nga cho biết vào ngày 16/11, một cuộc tấn công của máy bay không người lái cảm tử của Ukraine nhằm vào cơ sở của một đơn vị quân đội ở làng Kotluban thuộc tỉnh Volgograd, dẫn đến hư hại nhẹ một kho vũ khí nhỏ.
Điểm đáng chú ý là ngày càng có nhiều nhận định, phân tích về thế giằng co, bế tắc của cuộc xung đột. Ví dụ, OSW và Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 16/11 đánh giá rằng trong 5 tháng phản công, lực lượng vũ trang Ukraine không đạt được thành công đáng kể nào. Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny đã mô tả tình hình mặt trận là bế tắc và kêu gọi phương Tây đột phá công nghệ trong việc cung cấp viện trợ quân sự.
Cũng vào ngày 16/11, trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng việc vận chuyển đạn pháo của phương Tây cho Kiev đã "thực sự chậm lại" sau khi bùng nổ giao tranh giữa Israel và Hamas, đồng thời lượng dự trữ của quân đội Ukraine đã giảm. Ông nhấn mạnh quy mô cung cấp từ các đối tác hiện tại quá nhỏ so với nhu cầu của Ukraine.
Cả tuyên bố của Tổng thống Ukraine lẫn tình hình mặt trận đều cho thấy vấn đề thiếu đạn pháo ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với Kiev. Mặt khác, các đại diện phương Tây xác nhận vấn đề ngày càng gia tăng với sự hỗ trợ cho Ukraine trong lĩnh vực này. EU không thể tự mình sản xuất đủ lượng đạn dược, trong khi Mỹ hiện coi việc viện trợ quân sự cho Israel là ưu tiên hàng đầu và kế hoạch tăng sản lượng vẫn đang được thực hiện.
Cho đến nay, cả Ukraine và Nga đều chưa sẵn sàng đàm phán, thay vào đó, hai bên vẫn duy trì giải pháp quân sự và đang hướng tới các chiến dịch cho năm 2024. Vì vậy, những diễn biến trên chiến trường Ukraine thời gian tới có thể sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm các cân nhắc về địa chính trị, chu kỳ bầu cử (ở Mỹ và châu Âu) cũng như việc cung cấp vũ khí và đạn dược từ phương Tây.