Trung Đông rung chuyển sau 2 vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, Hezbollah
Việc giết chết một chỉ huy quân sự Hezbollah ở Liban và một quan chức cấp cao của Hamas ở Iran đang làm dấy lên nỗi sợ hãi thực sự về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Theo phong trào Hồi giáo Hamas, nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của nhóm này Ismail Haniyeh đã bị giết chết trong một cuộc không kích rạng sáng 31/7 tại thủ đô Iran. Phía Hamas đổ trách nhiệm cho Israel đứng sau vụ ám sát gây sốc có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei chobiết trả thù là "nhiệm vụ của chúng tôi" và cảnh báo Israel nên "chuẩn bị cho một hình phạt khắc nghiệt”. Giới quan sát nhận định bên cạnh động thái đáp trả trực tiếp, Iran có thể tăng cường các cuộc tấn công thông qua các đồng minh trong "Trục kháng chiến", bao gồm Hezbollah, Hamas, lực lượng dân quân Shiite ở Iraq và Syria, cũng như lực lượng Houthi ở Yemen.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ đáp trả một cái giá rất đắt cho bất kỳ hành động xâm lược chống lại nước này trên bất kỳ mặt trận nào nhưng không đề cập đến vụ tấn công,
Trước đó, Israel luôn cam kết sẽ giết Ismail Haniyeh và các nhà lãnh đạo Hamas khác nhằm đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của nhóm này vào miền Nam Israel đã châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza. Cuộc không kích diễn ra ngay sau khi ông Haniyeh tham dự lễ nhậm chức của tổng thống mới của Iran tại Tehran và vài giờ sau khi Israel nhắm mục tiêu vào một chỉ huy cấp cao của Hezbollah tại thủ đô Beirut của Liban – ông Fouad Shukur.
Cả hai vụ ám sát đều có khả năng bùng nổ trong bối cảnh các cuộc xung đột bất ổn đan xen lẫn lộn trong khu vực. Nguy hiểm nhất là khả năng đẩy Iran và Israel vào cuộc đối đầu trực tiếp nếu Iran có động thái trả đũa. Mỹ và các quốc gia khác đang chạy đua để tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn và chết chóc hơn.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra cái chết của thủ lĩnh Haniyeh có thể khiến Hamas rút khỏi các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin vốn dĩ còn bế tắc trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng ở Gaza.
Bên cạnh đó, nó có thể làm bùng phát căng thẳng gia tăng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah khi mà các nhà ngoại giao quốc tế đang cố gắng kiềm chế sau một cuộc tấn công bằng tên lửa hồi cuối tuần trước khiến 12 thanh thiếuniên thiệt mạng tại Cao nguyên Golan.
Phản ứng trước những diễn biến phức tạp sau 2 cuộc tấn công, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sắp leo thang ở Trung Đông và một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn có thể đạt được.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 31/7 để thảo luận về các cuộc tấn công với Iran và Israel. Nhưng sua cuộc họp, cơ quan này không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào. Cả 15 thành viên của hội đồng đều cảnh báo Trung Đông đang ở thời điểm bấp bênh, lo ngại về khả năng leo thang và kêu gọi các bên thực hiện chính sách ngoại giao kiềm chế.
Khalil al-Hayya, một nhân vật quyền lực trong Hamas và là người thân cận với thủ lĩnh Haniyeh, khẳng định với các nhà báo ở Iran rằng bất kỳ ai thay thế ông Haniyeh cũng sẽ theo đuổi cùng một tầm nhìn về các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh và tiếp tục chính sách chống lại Israel.
Trong một tuyên bố, cánh quân sự của Hamas cho biết vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh đã đẩy cuộc chiến lên một tầm cao mới và sẽ có những tác động lớn đến toàn bộ khu vực.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, chiến dịch quân sự của Israel tại vùng đất bị phong toả này đã giết chết hơn 39.300 người Palestine và làm bị thương hơn 90.900 người. Sau nhiều tháng bị bao vây và tấn công, Hamas đã chứng minh rằng các chiến binh của họ vẫn có thể hoạt động ở Gaza và phóng hàng loạt tên lửa vào Israel. Câu hỏi được đặt ra là không rõ liệu họ có khả năng tăng cường các cuộc tấn công để trả đũa vụ giết hại thủ lĩnh Haniyeh hay không.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử
Ngày 29/7, Hội đồng bầu cử Venezuela tuyên bố Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 28/7, với 51,2% số phiếu ủng hộ. Như vậy, ông Maduro tiếp tục giữ cương vị Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, nâng tổng số năm cầm quyền lên 18 năm với sự hậu thuẫn của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV).
Theo giới phân tích, yếu tố quyết định làm nên chiến thắng của ông Nicolas Maduro là việc ông tiếp tục kiên định mục tiêu theo đuổi chủ nghĩa xã hội Bolivar, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Trong những năm gần đây, chính phủ của ông Nicolas Maduro đã đạt được những thành tích nổi bật trong việc phục hồi kinh tế, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội và ổn định chính trị.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Maduro đã gửi thông điệp đến toàn bộ người dân rằng đất nước đã xây dựng được sự đồng thuận lớn để hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ; vạch ra tương lai của Venezuela thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược lớn xung quanh các trục như hiện đại hóa nền kinh tế, độc lập hoàn toàn, hòa bình, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, xã hội, chính trị, sinh thái và địa chính trị.
Chuyến công du củng cố liên minh châu Á – TBD của Ngoại trưởng Mỹ
Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đang rơi vào trong tình trạng hỗn loạn và bất ổn sâu sắc, cũng như định hướng tương lai của vai trò toàn cầu của Mỹ đang có chiều hướng mờ nhạt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tìm cách thể hiện sự bình tĩnh, trấn an các đối tác trong chuyến công du châu Á tuần qua.
Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken kể từ khi quyết định đột ngột dừng tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden làm xáo trộn cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiệm vụ củng cố liên minh châu Á – Thái Bình Dương qua chuyến đi có đạt được mục đích mong muốn của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ này hay không vẫn chưa có lời giải.
Tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc hội đàm "2+2" với những người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa và Minoru Kihara. Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng của hai nước, theo đó hướng tới mở rộng hợp tác trong các dự án chung về sản xuất hệ thống tên lửa phòng không, đồng thời nâng cấp bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật Bản, cam kết tăng cường hơn nữa năng lực ứng phó của liên minh an ninh Nhật-Mỹ.
Trong khi đó, tại Philippines, sau các cuộc gặp đồng cấp, phía Mỹ đã nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung, đồng thời xác nhận Mỹ sẽ phân bổ thêm 500 triệu USD viện trợ quân sự nước ngoài cho Philippines nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh với đồng minh lâu đời nhất của nước này trong khu vực.
Tại Singapore, hai bên ký “Hiệp định 123”, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để nghiên cứu cách công nghệ hạt nhân có thể hỗ trợ nhu cầu năng lượng và khí hậu.
Thiệt hại nặng nề trong vụ lở đất kinh hoàng tại Ấn Độ
Ít nhất 201 người đã thiệt mạng ở bang Kerala kể từ ngày 30/7 sau khi nhiều trận lở đất ở các ngọn đồi thuộc quận Wayanad đã tạo ra dòng bùn, nước lũ và những tảng đá khổng lồ lăn xuống các ngôi làng ở phía dưới, chôn vùi hoặc cuốn trôi người dân đi xa hàng kilomet về phía hạ lưu. Trận thảm hoạ thiên nhiên này cũng để lại dấu vết tàn phá nặng nề về tài sản khi san phẳng hàng trăm ngôi nhà và phá hủy đường sá, cầu cống.
Hình ảnh từ hiện trường thảm họa cho thấy những vết nứt lớn trên sườn đồi xanh, trong khi những người cứu hộ lội bùn sâu đến đầu gối tìm người mất tích. Gần 40 thi thể đã được tìm thấy cách khu vực xảy ra các trận lở đất chính khoảng 30 km, sau khi bị cuốn trôi dọc theo Sông Chaliyar. Trong một số trường hợp, lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy các bộ phận cơ thể.
Các nhân viên cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và nhận dạng các thi thể, và với gần 200 người vẫn mất tích. Theo ông P. M. Manoj - người phát ngôn của viên chức dân cử hàng đầu Kerala, số người chết dự kiến còn tăng lên. Hơn 5.500 người đã được giải cứu khỏi các ngôi làng trên sườn đồi và được đưa đến các trung tâm cứu trợ.
Quận Wayanad mặc dù là một điểm đến du lịch nổi tiếng, được biết đến với những ngọn đồi đẹp như tranh vẽ với các đồn điền trà và thảo quả rải rác, những khu vực này dễ xảy ra mưa lớn, lũ lụt và lở đất. Năm 2018, gần 500 người đã thiệt mạng tại đây sau một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất để lại hậu quả tàn khốc. Tình trạng khai thác đất và xây dựng quá mức trong khu vực đã khiến nơi này càng dễ bị lũ lụt và lở đất hơn.
Fed để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9
Ngày 31/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có những tuyên bố nhen nhóm cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương trong 4 năm, cho rằng mục tiêu giảm lạm phát gần như đang trên đà đạt được cũng như thị trường việc làm “hạ nhiệt” không còn đe dọa nền kinh tế đang bấp bênh.
Kết thúc cuộc họp tháng 7, quan chức Fed tuyên bố cơ quan này vẫn giữ nguyên lãi suất chính ở mức cao nhất trong 23 năm là 5,3%, bất chấp lời kêu gọi của một số nhà kinh tế và chính trị gia đảng Dân chủ. Thay vào đó, ông Powell cho biết nếu lạm phát tiếp tục giảm, chủ đề giảm lãi suất chính sách củaFed có thể được đưa ra thảo luận khi Fed họp vào ngày 17-18/9 tới. Theo chủ tịch Powell, Fed đang tiến gần hơn đến thời điểm thích hợp để giảm lãi suất chính sách nhưng hiện họ vẫn chưa đạt đến thời điểm đó.
Ông Powell mô tả hiện nền kinh tế Mỹ đang ở trong một trạng thái khá lý tưởng, với lạm phát giảm và số lượng việc tăng với tốc độ vững chắc. Đồng thời, tăng trưởng tiền lương đã hạ nhiệt, điều này có thể làm giảm áp lực lạm phát trong nền kinh tế, vì nhiều doanh nghiệp sẽ tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn.
Trong một báo cáo số liệu công bố ngày 26/7, chính phủ Mỹ cho biết lạm phát hàng năm đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 7 tính theo thước đo lạm phát của Fed. Con số này giảm so với mức 2,6% của tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Theo các nhà phân tích, việc Fed cắt giảm lãi suất khó có thể có nhiều tác động ngay lập tức song trong thời gian dài, lãi suất Fed thấp hơn sẽ giúp giảm chi phí vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, bao gồm cả lãi suất thế chấp và cho vay mua ô tô.
Việc cắt giảm lãi suất cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế và có khả năng cải thiện triển vọng đắc cử củaPhó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Cựu Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Fed không nên cắt giảm lãi suất trước cuộc bầu cử. Sau tháng 9, cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra hai ngày sau cuộc bầu cử vào tháng 11.
Trước tuyên bố của Fed trong ngày 31/7, các nhà giao dịch trên thị trường tài chính đã đặt cược 100% niềm tin vào khả năng ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9.
Fed có thể là một trong những ngân hàng trung ương lớn cuối cùng cắt giảm lãi suất. Hồi tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo giảm lãi suất và có thể sẽ tiếp tục một động thái như vậy vào tháng 9. Trong một cuộc họp ngày 1/8, Ngân hàng Anh tiết lộ nước này có thể sớm thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.