Cháy trung tâm thương mại Ba Lan
Trung tâm thương mại tại số 44 Marywilska tại Ba Lan với khoảng 1.400 gian hàng, trong đó có khoảng 1/3 gian hàng là của người Việt Nam đã bị cháy vào rạng sáng 12/5. Trung tâm thương mại này có khoảng 400 tiểu thương người Việt Nam với 600 quầy hàng. Ngoài ra, còn có hàng trăm lao động người Việt Nam làm việc tại các quầy hàng, tiệm sơn sửa móng tay và nhà hàng tại đây.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã cử nhóm công tác ngay lập tức tới hiện trường, đồng thời phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ba Lan nắm bắt tình hình và sớm triển khai công tác bảo hộ công dân. Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã đăng số đường dây nóng về bảo hộ công dân để nắm bắt thông tin từ kiều bào, sẵn sàng hỗ trợ bà con làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, ban quản lý trung tâm thương mại, lực lượng phòng cháy chữa cháy và phía bảo hiểm để giảm thiểu hậu quả của vụ cháy.
Bên cạnh đó, với những bà con bị mất giấy tờ trong vụ cháy, Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ tối đa để sớm cấp lại giấy tờ mới. Đại sứ quán cũng nhận được chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại nhằm tìm phương án tối ưu bảo đảm quyền và lợi ích của bà con.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải cho biết, trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan sẽ mở thêm mỗi tuần một buổi tiếp, nhận và xử lý hồ sơ lãnh sự đối với bà con trong trung tâm thương mại. Đại sứ cũng sẽ có các cuộc làm việc với lãnh đạo chính quyền thủ đô Vácsava của Ba Lan để trao đổi về các biện pháp hỗ trợ cấp giấy tờ, hỗ trợ tài chính, tìm việc làm cũng như xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Ngày 17/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu tiếp nhận, giải quyết cấp lại các loại giấy tờ tuỳ thân cho bà con người Việt bị ảnh hưởng sau vụ cháy Trung tâm thương mại Marywilska 44. Tất cả các thủ tục, hồ sơ đều được Đại sứ quán giải quyết, cấp lại miễn phí. Tại buổi làm việc, Đại sứ quán cũng tiếp nhận đề nghị của bà con liên quan cấp lại giấy tờ từ phía cơ quan chức năng Ba Lan.
Đại diện Bộ Lao động, gia đình và chính sách xã hội Ba Lan, ông Liwiusz Laska đánh giá cao các thông tin chia sẻ, cũng như sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam, đồng thời cho biết nhiều cơ quan, ban ngành Ba Lan liên quan đang tích cực triển khai hỗ trợ các tiểu thương bị ảnh hưởng trong vụ cháy.
Vụ ám sát lớn đầu tiên nhằm vào một lãnh đạo châu Âu trong 20 năm
Ông Fico, bị bắn khi đang chào đón những người ủng hộ ở thị trấn khai thác than Handlova. Một nghi phạm đã bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Ngày 17/5, tình trạng của Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã ổn định nhưng vẫn nghiêm trọng trong khi người đàn ông bị buộc tội cố gắng ám sát chính khách này phải ra hầu tòa lần đầu tiên.
Bộ trưởng Y tế Slovakia Zuzana Dolinkova cho biết vào ngày 16/5, Thủ tướng Fico đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài hai giờ để loại bỏ mô chết khỏi nhiều vết thương do đạn bắn. Theo Bộ trưởng Dolinkova, cuộc phẫu thuật đã góp phần mang lại tiên lượng tích cực cho ông Fico.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kalinak chia sẻ rằng hiện không thể chuyển Thủ tướng Fico đến thủ đô Bratislava do tình trạng sức khỏe của ông.
Hôm 17/5, nghi phạm ám sát Thủ tướng Fico đã được cảnh sát áp giải về nhà. Truyền thông địa phương đưa tin rằng đây là một phần của việc tìm kiếm bằng chứng.
Các công tố viên yêu cầu cảnh sát không công khai danh tính nghi phạm hoặc tiết lộ các chi tiết khác về vụ án. Tuy nhiên, theo truyền thông địa phương, nghi phạm là một người đàn ông về hưu 71 tuổi, là nhà thơ nghiệp dư, có thể từng làm nhân viên bảo vệ trung tâm mua sắm.
Dưới đây là video về thời khắc Thủ tướng Fico bị ám sát (nguồn: Reuters):
Ngày 16/5, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok cho biết vụ ám sát Thủ tướng Fico mang động cơ chính trị, dựa trên lời khai của chính nghi phạm. Đối tượng này khai nhận bất mãn với chính sách của chính phủ. Bộ trưởng Estok cũng cho biết nghi phạm không phải là thành viên của bất kỳ nhóm chính trị cực đoan, cánh hữu hay cánh tả nào mà hành động theo kiểu “sói đơn độc”.
Slovakia là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là vụ ám sát lớn đầu tiên nhằm vào một lãnh đạo châu Âu trong gần 20 năm qua. Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên án hành vi ám sát.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 15/5 đã mạnh mẽ lên án vụ ám sát ông Fico. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ nổ súng tấn công ông Fico là “tội ác ghê tởm” và bày tỏ hy vọng Thủ tướng Slovakia sẽ nhanh chóng bình phục.
Cũng trong ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá vụ nổ súng đe dọa tính mạng của Thủ tướng Fico là “hành vi bạo lực khủng khiếp”. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ ông bị sốc trước vụ ám sát. Nhà lãnh đạo Pháp cực lực lên án hành động này.
Tổng thống Nga thăm Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày vào hôm 17/5. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5 vừa qua.
Ngày 16/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết và ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga vừa tiến hành một cuộc gặp "chân thành và thân tình", thảo luận nhiều chủ đề.
Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ hai bên đã ký và ban hành Tuyên bố chung về việc Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Nga, đồng thời chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác liên chính phủ, liên ngành quan trọng, tạo động lực mới, mạnh mẽ cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung-Nga.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Nga ca ngợi sự phát triển của thương mại song phương khi tham quan Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nga ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Ông đã gặp các sinh viên tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), từng là nơi sinh sống của nhiều người Nga xa xứ và lưu giữ một số nét lịch sử đó trong kiến trúc của thành phố.
Phát biểu với các phóng viên, ông Putin ca ngợi cuộc trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình là “thực chất”. Tổng thống Putin tuyên bố rằng mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào. Ông bày tỏ: “Nó nhắm đến mục đích duy nhất là tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của hai quốc gia và cải thiện phúc lợi của người dân Trung Quốc và Liên bang Nga”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Putin đã có cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh. Tổng thống Nga đánh giá: “Chúng tôi đánh giá tích cực về cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng này”.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm với tựa đề "Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine", trong đó nêu hàng loạt giải pháp từ ngừng bắn, hòa đàm đến từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh, lệnh trừng phạt, đảm bảo chuỗi cung toàn cầu.
Israel đẩy mạnh tấn công Rafah bất chấp đối mặt phản đối mạnh mẽ
Ngày 12/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc các bên lập tức dừng cuộc chiến tranh trên dải Gaza, trả tự do cho các con tin và gia tăng viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ Palestine bị bao vây.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết Tel Aviv sẽ điều thêm quân tới Rafah, một thành phố dọc biên giới phía Nam Gaza với Ai Cập, trong khi giao tranh cũng đang diễn ra ác liệt ở phía Bắc Gaza.
Trong khi đó, Nam Phi đang tìm biện pháp khẩn cấp tại tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc để ngăn chặn cuộc tấn công đang leo thang của Israel ở Rafah. Nam Phi gọi cuộc tấn công này là “bước cuối cùng trong quá trình phá hủy Gaza”. Israel coi Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas, phớt lờ cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh khác rằng chiến dịch quân sự tại thành phố biên giới này sẽ là thảm họa đối với dân thường.
Hơn một tuần qua, chưa hề có thực phẩm được đưa vào hai cửa khẩu biên giới chính ở miền Nam Gaza. Theo LHQ, khoảng 1,1 triệu người Palestine đang trên bờ vực chết đói. LHQ cho biết khoảng 600.000 người Palestine đã rời Rafah kể từ đầu tuần trước.
Khoảng 80% trong số 2,3 triệu người Palestine ở Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, trong đó nhiều người phải di dời nhiều lần. Theo các quan chức y tế địa phương, 7 tháng xung đột đã khiến hơn 35.000 người ở Gaza, thiệt mạng.
Trong một diễn biến khác, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 17/5 cho biết họ đã không kích tiêu diệt một chỉ huy của tổ chức Islamic Jihad, phong trào vũ trang lớn thứ hai ở Dải Gaza. Theo IDF, đây là người đứng đầu bộ phận hậu cần của Islamic Jihad ở thành phố Rafah. IDF cho biết các kho vũ khí và tên lửa của Islamic Jihad cũng bị phá hủy trong các cuộc không kích.