Bà Oprah mở đầu bài phát biểu tối 7/1 bằng cách hồi tưởng lại năm 1964 khi ở nhà mẹ tại Milwaukee (bang Wisconsin) theo dõi lễ trao giải Oscar có diễn viên Sidney Poitier là người da màu đầu tiên được vinh danh.
Việc nhắc đến thời thơ ấu tại bang vành đai công nghiệp Wisconsin, bà Oprah đã tạo ấn tượng về nguồn gốc giản dị, đây luôn là điều được nhiều chính trị gia ưu ái để gây ấn tượng với công chúng Mỹ.
Bà Oprah Winfrey là một trong những phụ nữ da màu có sức ảnh hưởng lớn tại Mỹ. Ảnh: Oprah.com |
Tờ Guardian (Anh) đưa tin trong bài phát biểu tại Hollywood tối 7/1, bà Oprah ca ngợi những người phụ nữ đã dũng cảm tố cáo nạn quấy rối tình dục và kể về câu chuyện của họ. Bài phát biểu của bà Oprah khiến nhiều khán giả có mặt tại khán phòng hôm đó rơi nước mắt. Đặc biệt, họ khẳng định chắc nịch “một ngày mới đang đến” của bà.
Mọi ứng cử viên tham gia tranh cử đều cần một câu khẩu hiệu tạo dấu ấn và chính cụm từ “một ngày mới đang đến” của bà Oprah được cho là đã đạt tiêu chí này. Gương mặt xúc động của các khán giả trực tiếp lắng nghe bài phát biểu tối 7/1 thực sự cho thấy khả năng kết nối với công chúng của người phụ nữ 63 tuổi này.
Bà Oprah là gương mặt thân quen với nhiều người dân Mỹ, một phụ nữ da màu có sức ảnh hưởng lớn, đồng thời là tỉ phú tự thân, do vậy bài phát nhiều gây cảm xúc của bà trong tối 7/1 khiến nhiều người dân quốc gia này hy vọng về một nữ tổng thống da màu đầu tiên trong tương lai. Dường như, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có xuất thân là tỷ phú kiêm nhân vật truyền hình nổi tiếng, chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 đã thay đổi cuộc chơi trong chính trường Mỹ.
Ngay lập tức trên mạng xã hội Twitter, từ khóa “Oprah2020” và “Oprahforpresident” được nhắc đến nhiều lần. Nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep, người trực tiếp lắng nghe phát biểu của bà Oprah, đã chia sẻ với tờ Washington Post (Mỹ): “Bà ấy đã phóng một quả tên lửa trong tối nay. Tôi muốn bà ấy tranh cử tổng thống. Tôi không cho rằng bà có ý định tuyên bố. Nhưng hiện nay bà ấy nên chấp nhận”.
Trong quá khứ, bà Oprah đã nhiều lần ủng hộ các ứng cử viên đảng Dân chủ trong quá trình họ tranh cử như cựu Tổng thống Barack Obama trong năm 2008 và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton năm 2016. Nhưng bà Oprah từng nói không quan tâm tới việc tranh cử tổng thống.
Bà Oprah Winfrey cùng gia đình cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Phó giáo sư Michael Cornfield tại Đại học George Washington (Mỹ) phân tích: “Kỹ năng diễn thuyết chắc chắn là tài sản của bà Oprah, và bà ấy cũng có lượng khán giả hùng hậu nhưng cần nhiều hơn thế để được đề cử. Chúng ta không rõ rằng liệu bà Oprah có quan tâm không nhưng bà ấy có rất nhiều thời gian”.
Sau bài phát biểu tối 7/1, bản thân bà Oprah đã khẳng định với hãng tin Bloomberg rằng không có kế hoạch tham gia tranh cử. Nhưng vào ngày 8/1, kênh CNN (Mỹ) dẫn nguồn tin từ hai người bạn thân với bà Oprah cho biết nữ tỉ phú da màu này đang “suy nghĩ” về việc tranh cử.
Nhắc đến Oprah Winfrey, mọi người dân Mỹ ngay lập tức nhớ đến chương trình truyền hình The Oprah Winfrey Show kéo dài 25 năm (1986-2011). Chính chương trình này đã khiến Oprah Winfrey trở thành gương mặt quen thuộc đối với hàng triệu người Mỹ. Bà trở thành một người biết lắng nghe tuyệt vời đối với công chúng Mỹ, vượt qua khác biệt về tầng lớp, giới tính hay chủng tộc.
Không chỉ dừng ở đó, bà Oprah còn được đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar trong năm 1986 với vai diễn trong bộ phim The Color Purple. Bên cạnh đó bà còn sản xuất và đóng vai trong bộ phim Selma (2014) và The Immortal Life of Henrietta Lacks (2017). Hiện bà Oprah còn giữ vai trò người chịu trách nhiệm đặc biệt cho chương tình thời sự, điều tra 60 Minutes của đài CBS (Mỹ). Bà Oprah còn đầu tư vào nhiều công ty và lãnh đạo kênh truyền hình cáp OWN.
Tạp chí Forbes (Mỹ) trong năm 2017 ước tính bà Oprah nắm trong tay số tài sản trị giá 3 tỉ USD và đứng thứ 3 trong danh sách những nữ tỉ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ.