Nhưng tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, những dịch vụ này lại chính là những "liều thuốc quý" đang hằng ngày hỗ trợ các bệnh nhân, cũng như các y bác sĩ trực tiếp đối dầu với dịch bệnh nguy hiểm này.
Những dịch vụ này ngày càng giành được nhiều cảm tình từ những bệnh nhân và các y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán và trở nên quan trọng không kém các liệu pháp điều trị y tế hỗ trợ bệnh nhân hồi phục.
Vài ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh y tá Bahargul Toleheng, y tá tình nguyện đến từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, dạy nhảy cho các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở trung tâm triển lãm Nhà khách Vũ Hán. Dù khoác trên mình bộ đồ bảo hộ bùng nhùng nhưng Bahargul vẫn cố gắng thể hiện những động tác cơ bản của các điệu múa truyền thống của dân tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazak. Tin rằng việc vực dậy tinh thần các bệnh nhân cũng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị, nữ y tá người dân tộc Kazak rất vui mừng khi thấy các bệnh nhân tham gia "lớp học" đã trải qua những giờ phút vui vẻ, tràn ngập tiếng cười.
Đội y tế đến từ Tân Cương phụ trách 189 bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến này. Nhận thấy nhiều bệnh nhân có biểu hiện lo âu thường trực, Bahargul cho rằng nên làm điều gì đó để giúp họ thư giãn. Sau khi các đồng nghiệp từ những khu vực khác tìm cách khuyến khích tinh thần bệnh nhân thông qua các hoạt động nhẹ nhàng như dạy nhảy hay thái cực quyền, Bahargul cũng quyết định dạy các điệu nhảy truyền thống từ vùng Tân Cương cho các bệnh nhân mà nhóm của cô phụ trách.
Ngay khi nhạc nổi lên, mọi người bắt đầu tụ tập, thực hiện các động tác cơ thể theo hướng dẫn của nữ y tá. Quan trọng hơn, trong "lớp học" nhiều tiếng cười vang lên khi các "học viên" nhìn thấy những động tác có phần vụng về của "bạn học". Theo nữ y tá này, tiếng cười là liều thuốc tinh thần quan trọng khi hầu hết các bệnh nhân ở đây đều điều trị xa gia đình, trong đầu luôn thường trực câu hỏi liệu mình có thể hồi phục ra viện và bệnh tật là tất cả những gì họ nghĩ tới.
Dần dần các buổi dạy nhảy các điệu múa truyền thống Tân Cương trở thành sự kiện thu hút đông đảo bệnh nhân tham gia. Cộng đồng mạng cũng hài hước bình luận các bệnh viện dã chiến giờ đây là những nơi duy nhất tại Trung Quốc mà mọi người có thể tụ tập và cùng nhảy với nhau.
Cũng giống như những bệnh viện dã chiến khác được thành lập trong đợt dịch COVID-19, bệnh viện Nhà khách Vũ Hán đi vào hoạt động từ hôm 7/2, tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus Corona với những triệu chứng nhẹ. Tất cả các bệnh nhân tại đây không có những bệnh về đường hô hấp, tuổi từ 18 tới 65, có khả năng tự chăm sóc bản thân. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 1.450 bệnh nhân.
Tính đến ngày 16/2, đã có 9 bệnh viện dã chiến như vậy được dựng lên tại những địa điểm từng là phòng tập thể dục hay các trung tâm triển lãm ở thành phố tâm dịch Vũ Hán. Ban điều hành "bệnh viện" Nhà khách Vũ Hán đã bổ sung thêm nhiều chức năng cho bệnh viện dã chiến để nâng cao dịch vụ điều trị. Ngoài các buổi học nhảy, các bệnh nhân nhiễm virus Corona có thể mượn sách tại bệnh viện và tham gia các giờ đọc sách chung như một cách để thư giãn tinh thần.
YanYibing, 41 tuổi, là một trong số 17 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh tại bệnh viện dã chiến Nhà khách Vũ Hán và được xuât viện hôm 15/2. Là một trong những bệnh nhân đầu tiên nhập viện, anh Yan chia sẻ anh cảm thấy bệnh viện giống như một cộng đồng thu nhỏ mà trong đó anh là một thành viên chứ không phải là bệnh nhân. Những ngày trong viện, anh vẫn bắt gặp cảnh các sinh viên làm bài tập về nhà hay truyền phát trực tiếp (livestream) cuộc sống trong viện trên mạng xã hội để bạn bè và người thân có thể yên tâm. Yan tiếp tục được cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày trước khi có thể tham gia các hoạt động cộng đồng. Những người có biểu hiện sức khỏe sa sút sẽ lập tức được đưa tới bệnh viện nên anh không cảm thấy lo lắng. Anh cũng rất thích những giờ học nhảy vì đó là những giây phút mọi người đều cảm thấy hứng khởi hơn cùng nữ y tá Bahargul mà anh gọi bằng cái tên thân thương là "nữ thiên thần mũm mĩm".