Theo thông báo của BMKG, đợt phun trào xảy ra lúc 4h09 sáng 30/12 theo giờ địa phương, tuy nhiên hầu như không quan sát được độ cao chính xác của các cột nham thạch do mây mù dày đặc ở đỉnh núi. Máy đo địa chấn đã ghi nhận biên độ tối đa trong đợt phun trào này là 22mm, kéo dài 3 phút 8 giây. BMKG đã ban bố cảnh báo nguy hiểm cấp độ III về hoạt động của núi lửa Agung.
Trung tâm Giảm thiểu thiệt hai do núi lửa và thảm họa địa chất của Indonesia (PVMGB) kêu gọi người dân địa phương, người leo núi và khách du lịch tránh xa khu vực đỏ trong phạm vi bán kính 4km xung quanh miệng núi lửa.
PVMGB cho biết khu vực đỏ này có thể được mở rộng hoặc thu hẹp trong những ngày tới tùy theo kết quả theo dõi hoạt động của núi lửa. Cơ quan này cũng cảnh báo cư dân sống gần các con sông cần đề phòng nguy cơ nham thạch và các chất phun trào từ núi lửa chảy ra sông ngòi.
Cùng ngày, giới chức Philippines cho biết ít nhất 22 người đã thiệt mạng, một số người mất tích vì lở đất và lũ lụt sau trận mưa lớn ở vùng Bicol, và Đông Visayas, miền Trung nước này.
Cục Khí tượng, địa chất và vũ trụ của Philippines trước đó cảnh báo mưa lớn có thể xảy ra ở miền Bắc và miền Trung, do áp thấp nhiệt đới.
Tính đến sáng 30/12, tổng cộng 1.274 gia đình gồm tổng cộng 4.906 người đã bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn. Hiện 78 khu vực đang bị lụt lội tại Bicol và Đông Visayas, trong khi 59 khu vực trong tình trạng thiếu điện. Tổng cộng 3.678 hành khách, 28 tàu biển đã bị mắc kẹt. 36 chuyến bay nội địa đã bị hủy kể từ ngày 27/12.