Theo thông tin mới cập nhật, 2 nạn nhân trên được cho là rơi xuống biển, nhưng cho đến nay lực lượng cứu hộ không xác định được vị trí của những người này. Phó giám đốc cảnh sát New Zealand Mike Clement nói: "Các nhân viên cứu hộ dường như đã tuyệt vọng. Chúng tôi hoàn toàn hiểu cảm giác của những người người nhà nạn nhân đang mong chờ từng phút để có thể đưa thi thể người thân trở về". Theo ông Clement, còn rất ít cơ hội vì các đội thợ lặn đã tìm kiếm cả gần khu vực cầu tàu, nơi có thể nhìn rất rõ nếu có thi thể.
Trước đó, Phó Cảnh sát trưởng New Zealand, ông John Tims cho hay các thợ lặn thuộc lực lượng cảnh sát đã triển khai hoạt động tìm kiếm tại cà các vùng biển xung quanh Đảo Trắng, song gặp khó khăn do vùng biển này bị ô nhiễm bởi đá, nham thạch và các chất hóa học chảy xuống từ núi lửa khiến tầm nhìn dưới nước bị hạn chế, chỉ ở mức 0-2m. Hoạt động tìm kiếm tập trung tại một khu vực có một thi thể nổi lên trước đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng trong thảm họa núi lửa phun trào trên Đảo Trắng ngày 9/12 là 17 người, bao gồm cả 2 người chưa tìm thấy. Có 27 người được cứu sống đang được chăm sóc tại các bệnh viện ở New Zealand và Australia, song có 20 trong số này trong tình trạng nguy kịch.
Đảo Trắng nằm ngoài khơi Vịnh Plenty, là một địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch thích phiêu lưu mạo hiểm. Theo GeoNet - hệ thống giám sát rủi ro địa chất học của New Zealand - núi lửa White Island với hơn 70% diện tích nằm chìm dưới biển, là núi lửa hoạt động mạnh nhất tại nước này.
Mỗi năm có khoảng 10.000 du khách đến tham quan núi lửa này. Trong 50 năm qua, núi lửa Đảo Trắng thường xuyên phun trào, với các vụ phun trào gần đây chủ yếu xảy ra trong năm 2016. Hôm 9/12 vừa qua, núi lửa White Island bắt đầu phun trào vào lúc 14h11' (giờ địa phương) phun lên những cột tro bụi cao tới 3.600 mét.