Trưởng trạm giám sát núi lửa Sinabung thuộc Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG), ông Armen Putra, cho biết vụ phun trào xảy ra vào khoảng 9h08 sáng 7/5 (giờ địa phương) và kéo dài 356 giây. PVMBG khuyến cáo người dân không trở lại các ngôi làng đã được di tản, cũng như ở các địa điểm nằm trong bán kính 3 km quanh núi lửa Sinabung và tránh xa các con sông bắt nguồn từ ngọn núi lửa đề phòng các dòng nham thạch nguy hiểm. Ngoài ra, giới chức cũng khuyên người dân trong khu vực đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tro bụi núi lửa với sức khỏe, bảo vệ các công trình nước sạch và vệ sinh các lớp tro bụi dày đặc trên mái nhà tránh nguy cơ bị sập.
Trước đó vào khoảng 11h20 ngày 6/5, núi lửa Sinabung đã phun cột tro bụi cao tới 2.000 mét. Theo PVMBG, đợt phun trào này kéo dài 319 giây. Trong các ngày 26/4, 27/4 và 2/3, núi lửa Sinabung cũng đã phun trào 7 lần với cột tro bụi có lúc cao tới 3.000 mét.
Núi lửa Sinabung "thức giấc" lần đầu tiên năm 2010 sau 400 năm. Sau một giai đoạn ngưng hoạt động, núi lửa lại phun trào một lần nữa vào năm 2013 và vẫn tiếp tục hoạt động mạnh kể từ đó. Đợt phun trào năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của 16 người trong khi 7 người khác thiệt mạng trong một đợt phun trào 2 năm sau đó.
Do nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương, khu vực tiểm ẩn nhiều nguy cơ về các hoạt động địa chất, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất hoặc núi lửa phun trào. Ước tính Indonesia có gần 130 núi lửa vẫn đang hoạt động.