Theo một nghiên cứu của Đại học Otago công bố trên tạp chí quốc tế PLoS ONE ngày 9/12, rừng tảo bẹ là một trong những hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và sinh sản nhiều nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, trong khoảng từ 50 - 100 năm qua, nhiều dải rừng tảo bẹ đã mất đi và nhiều rừng tảo bẹ còn lại đang trong tình trạng suy thoái.
Rừng tảo bẹ có thể hấp thu một lượng lớn CO2 trong nước biển. Tuy nhiên, nhiệt độ đại dương tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sôi của loài thực vật biển này. Các nhà nghiên cứu New Zealand đã thực hiện nghiên cứu mô phỏng đáy đại dương, qua đó nhận thấy rằng tại các vùng biển có nhiệt độ ấm hơn, tảo bẹ tạo ra nhiều bào tử hơn, nhưng số bào tử "định cư" ở đáy đại dương ít hơn, hoặc nếu có "định cư" thì cũng phát triển chậm hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Otago đang thực hiện một dự án nhằm khôi phục các rừng tảo bẹ ở biển.
Tảo bẹ được tìm thấy ở đáy đại dương từ Đảo Bắc cho đến các đảo cận Nam Cực và là môi trường sống chính của nhiều loài sinh vật biển có tầm quan trọng về văn hóa, giải trí và thương mại.
Mục đích nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand là tìm hiểu tác động của nhiệt độ nước biển tăng đối với giai đoạn phát triển ban đầu của tảo bẹ.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Duong Le thuộc Khoa Hải dương học của Đại học Otago nói: “Nghiên cứu này cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của tảo bẹ trong giai đoạn đầu phát triển, và giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những thay đổi trong quá khứ cũng như chiều hướng trong tương lai của hệ sinh thái rừng tảo bẹ ở New Zealand”.
Trong khi đó, đồng tác giả Mathew Desmond, cũng thuộc Khoa Hải dương học của Đại học Otago, cho biết nghiên cứu này góp phần nâng cao hiểu biết về tảo bẹ và hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn và khôi phục loài này.