Nhiều ngày qua, những "kỷ lục đáng buồn" như vậy liên tục xuất hiện, với số ca mắc hay tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân luôn đạt mức cao chưa từng có. Hiện bản đồ nước Đức toàn một màu đỏ, nhiều nơi tím ngắt, dấu hiệu của một mùa Đông u ám đang ở ngay phía trước.
Nếu chỉ nhìn vào những con số, mọi người sẽ không khỏi bàng hoàng vì số ca nhiễm mới liên tục lập ngưỡng cao chưa từng có (40.000-50.000 ca/ngày) trong khi tỷ lệ lây nhiễm cũng đạt mức cao nhất từ đầu dịch (277,4). Tuy nhiên, trong làn sóng lây nhiễm thứ tư này, tỷ lệ tử vong thấp so với đợt dịch thứ hai cùng thời điểm này năm ngoái. Thời điểm đó, nước Đức chưa có tiềm lực và sự chuẩn bị tốt về y tế như bây giờ. Mãi đến cuối tháng 12/2020, những liều vaccine đầu tiên của BioNTech/Pfizer mới được tiêm ở Đức. Gần một năm sau, Đức đã có 70% dân số được tiêm ít nhất một mũi (tính đến ngày 13/11) và trên 67% được tiêm đầy đủ với 4 loại vaccine đã được phê duyệt. Có thể thấy, Đức đã có những công cụ quan trọng nhất để ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao như vậy.
Câu trả lời đầu tiên là sự xuất hiện của các biến thể virus, trong đó Delta là biến thể hoành hành dữ dội nhất. Các nhà nghiên cứu đều chung quan điểm rằng biến thể này dễ lây lan và nguy hiểm hơn, đặc biệt là khả năng làm giảm hiệu quả, thậm chí là chống vaccine cũng tốt hơn. Đây là lý do đầu tiên và quan trọng nhất dẫn tới tình trạng không chỉ ở Đức mà nhiều nước châu Âu khác, tình trạng dịch vẫn hết sức phức tạp.
Lý do thứ hai là nước Đức cũng như nhiều nước châu Âu hồi năm ngoái áp đặt nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó có phong tỏa, đóng các cửa hàng, trường học, cấm tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc cũng như ra ngoài vào ban đêm... Nhưng hiện nay, hầu hết các biện pháp này đều đã được nới lỏng. Các quy tắc 2-G (đã tiêm, đã khỏi) và 3-G (đã tiêm, đã khỏi và đã xét nghiệm), hoặc đơn giản là AHA (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và giữ vệ sinh dịch tễ) là công cụ cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động và sự kiện đông người.
Thế nhưng các quy định này cũng không thể miễn nhiễm với biến thể Delta ngày càng tinh vi hơn. Tuy số ca nhiễm mới tăng cao từng ngày, song dường như không mấy ai thực sự quan tâm và do dịch kéo dài nên người dân có thể đã có "hiệu ứng thói quen", ít thận trọng hơn trong việc phòng ngừa dịch bệnh, như bỏ qua việc giữ khoảng cách, không rửa tay thường xuyên,... khiến dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.
Lý do thứ ba là tiêm phòng không đồng nghĩa với miễn dịch tuyệt đối và hiệu quả bảo vệ giảm dần theo thời gian. Theo các chuyên gia, tiêm phòng làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, song kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian và việc tiêm chủng chỉ bảo vệ chống lại nguy cơ lây nhiễm ở giai đoạn đầu. Khả năng lây nhiễm thường trở lại 3 tháng sau tiêm chủng với những triệu chứng thường ở thể rất nhẹ. Do vậy, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, thì số người nhiễm trong số những người đã tiêm cũng tăng lên (hiện đã ghi nhận trên 100.000 trường hợp, chiếm 0,21%).
Tuy nhiên, đối với các nhóm nguy cơ, như người cao tuổi hoặc có bệnh nền, những trường hợp lây nhiễm "qua mặt" vaccine như vậy là rất nguy hiểm, bởi một mặt chúng có thể khiến bệnh trở nặng, mặt khác cũng là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho những người khác. Đây là lý do khiến Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) ra khuyến nghị nhanh chóng tiêm mũi tăng cường bằng vaccine công nghệ mRNA cho các nhóm đối tượng này khi họ đã tiêm đầy đủ 6 tháng trước đó.
Nhiều nhà khoa học và giới chính trị thậm chí còn đề nghị tiêm mũi bổ sung chỉ sau 4 hoặc 5 tháng nhằm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine. Việc tiêm mũi tăng cường không chỉ bảo vệ cá nhân người được tiêm mà quan trọng hơn là ngăn chặn chuỗi lây nhiễm, bởi nó có thể tạm thời giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm và lây lan cho người khác.
Ngoài ra, hệ miễn dịch suy yếu cũng được cho là một nguyên nhân, chẳng hạn như ở bệnh nhân ung thư đang hóa trị hoặc cấy ghép nội tạng, người mắc các bệnh tự miễn dịch hoặc người cao tuổi mà hệ miễn dịch của họ không phải lúc nào cũng đáp ứng đầy đủ với việc được tiêm chủng.
Nguyên nhân thứ tư khiến số ca nhiễm tăng mạnh là yếu tố mùa. Nhà dịch tễ học người Đức Timo Ulrichs cho rằng mùa Thu và mùa Đông là thời điểm dịch lây lan tốt nhất, bởi khi trời trở lạnh hơn, nhiều hoạt động sẽ chỉ diễn ra trong nhà hoặc không gian kín khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một thực tế là vẫn còn hàng triệu người trưởng thành "quyết tâm" không tiêm chủng và theo một cuộc khảo sát mới đây thì có gần 90% số đối tượng này tuyên bố sẽ không tiêm chủng trong bất kể hoàn cảnh nào, do vậy hạn ngạch tiêm chủng sẽ không dễ thay đổi thời gian tới, dù tỷ lệ tiêm hiện đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở nhóm đã tiêm chủng trên cả nước Đức là 50, trong khi ở nhóm không tiêm chủng là 450, tức cao gấp 9 lần.
Để giải quyết tất cả những vấn đề trên, một trong những nhà virus học nổi tiếng nhất của Đức, Giáo sư Christian Drosten - Viện trưởng Viện virus học Bệnh viện Charité ở Berlin, đề xuất ba biện pháp chủ chốt phải được thực hiện càng sớm càng tốt, bao gồm phong tỏa (hạn chế tiếp xúc), nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm chủng cũng như nhanh chóng tiêm mũi tăng cường. Ông cảnh báo nước Đức còn rất lâu nữa mới có thể thoát ra khỏi đại dịch.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế cũng kêu gọi nước Đức cần phải nhanh chóng hành động trước khi quá muộn. Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch RKI Giáo sư Lothar Wieler đã có hành động đáng chú ý khi tay giơ tờ giấy in màu bản đồ dịch bệnh nước Đức toàn một màu đỏ-tím cùng lời kêu gọi hãy nhanh chóng hành động dù cũng đã muộn. Để ngăn chặn xu hướng tồi tệ hơn, cần phải ngay lập tức giảm số người tham gia các sự kiện lớn, thậm chí xem xét một lệnh cấm, và giảm tiếp xúc. Ông cũng cho rằng chỉ tiêm bổ sung vaccine chưa đủ để kiểm soát quá trình lây nhiễm, bởi tiêm tăng cường sẽ chỉ giúp nâng cao đáng kể khả năng miễn dịch và giảm tải lượng virus khi bị nhiễm bệnh. Để có thể kiểm soát quá trình lây nhiễm cần phải đạt tối đa 90% dân số có khả năng miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh.
Thực tế hiện nay, Đức là nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ ba ở Tây và Bắc Âu, chỉ đứng trên một chút so với các nước cùng nói tiếng Đức là Áo và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nước Đức lúc này đang có một chính phủ tạm quyền và Thủ tướng Angela Merkel không có sự ủng hộ quá bán ở quốc hội, nên bà sẽ rất khó để hành động dù phải chứng kiến dịch bùng phát tới mức cao kỷ lục như vậy. Dự kiến, tuần tới, Thủ tướng Merkel sẽ họp với thủ hiến 16 bang để bàn cách ứng phó với làn sóng lây nhiễm hiện nay.
Liên minh ba đảng "đèn giao thông" gồm Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và Dân chủ tự do (FDP) đang đàm phán thành lập chính phủ, ủng hộ việc mở lại các trung tâm tiêm chủng, thúc đẩy tăng tỷ lệ tiêm chủng, đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường (nhất là cho nhóm cao tuổi), thực hiện xét nghiệm miễn phí trở lại, xét nghiệm hằng ngày với những người làm việc ở các khu vực rủi ro như tại các trại dưỡng lão, áp dụng quy tắc 3-G ở nơi làm việc, 2-G trong một số lĩnh vực,... và đặc biệt là không gia hạn tình trạng khẩn cấp, vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 25/11 tới.
Phía liên đảng bảo thủ CDU/CSU cho rằng kế hoạch như vậy là quá nhẹ và chưa đủ để đưa nước Đức an toàn qua khỏi mùa Đông tới. Thủ hiến bang Bayern Markus Söder nêu rõ sẽ không thể "lái xe trong mùa Đông bão tố với lốp xe mùa Hè", cho rằng kế hoạch của "đèn giao thông" chẳng có một phương án khẩn cấp nào. Nhiều chính trị gia khác của CDU cũng chỉ trích liên minh ba đảng đưa ra cách chống dịch không phù hợp với thực trạng nghiêm trọng hiện nay.
Chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU/CSU Ralph Brinkhaus cho rằng kế hoạch chấm dứt "tình hình khẩn cấp" vốn được Quốc hội thiết lập làm cơ sở pháp lý cho các biện chống dịch, là "phủ nhận thực tế" số ca nhiễm ngày càng tăng và vô tình gửi đi "tín hiệu hoàn toàn sai lầm" rằng tình hình dịch bệnh đã tốt hơn.
Khi mùa Đông tới cũng là dịp kỳ nghỉ lễ kéo dài, nguy cơ dịch bùng phát mạnh hơn nữa là điều khó tránh khỏi nếu giới chức Đức không hành động ngay từ lúc này. Dù khả năng phong tỏa hay tiêm chủng bắt buộc không dễ dàng thực hiện do quy định pháp lý, song nếu việc chống dịch chỉ bằng lời kêu gọi và dựa vào ý thức phòng dịch thì tình hình chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Năm ngoái, người Đức mơ tới hạn ngạch 60-70% dân số được tiêm chủng, vốn có thể dễ dàng thông qua tiêm chủng tự nguyện, thì nay với sự xuất hiện và hoành hành của Delta, mức này được xác định là ít nhất 85%, một mức khó có thể đạt được trong ngắn hạn khi những người phản đối tiêm chủng chỉ thấy nhiều rủi ro hơn lợi ích từ việc tiêm chủng.
Trong một tình thế mà chỉ có liên minh "đèn giao thông" mới có thể hành động, dư luận đang rất kỳ vọng những người có trách nhiệm với nước Đức sẽ nhanh chóng đưa các dự thảo và quyết định vào đời sống để có thể nhanh chóng kiểm soát hiệu quả tình hình hiện nay.