Trên con phố Madina Munawwara nằm ở thủ đô Amman của Jordan có một tiệm kem xinh xắn tấp nập những người Syria đến đây mua hàng. Họ đến để mua kem và để vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà da diết. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người Syria chọn tiệm kem này làm nơi tụ tập. Nơi đây là một chi nhánh của tiệm kem trứ danh Bakdash, tiệm kem gắn với nhiều thế hệ người Syria. Tọa lạc trên con phố Al-Hamidiyeh tại thủ đô cổ nhất thế giới – Damascus - tiệm kem Bakdash là một trong những hiệu kem lâu đời nhất trong thế giới kem Ảrập. Ông chủ Bakdash, Mohammad Hamdi Bakdash, mở tiệm này vào năm 1895. Bất chấp cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 94.000 người, đến nay Bakdash vẫn tiếp tục phát triển một cách lạ kì.
Món kem "Booza" mang những người Syria tha phương đến lại gần nhau ở thủ đô Amman (Jordan). Ảnh: Internet |
Nhắc đến tiệm kem Bakdash là nhắc đến món kem “booza” nổi tiếng. Đây là một loại kem đặc trưng của vùng Trung Đông mang lại cho thực khách cảm giác giống như ăn một loại kẹo dẻo hay kẹo cao su. “Booza” còn được bổ sung thêm một hương vị đặc trưng nhờ “salep”, một loại bột được làm từ củ của cây phong lan mascula.
Tại Amman, những người con Syria tìm đến mua kem để được tận hưởng cảm giác miếng kem tan chảy trong miệng. Những miếng kem “booza” có sức mạnh khơi dậy những những dòng ký ức về Syria. Trên đất khách quê người, những đứa con của Syria rơi lệ. Họ nhớ về thứ mùi hương khó lòng cưỡng lại của sữa nóng, vani trộn với kẹo cao su Ảrập lẫn cùng hạt dẻ cười; họ thèm được nghe những tiếng va đập của búa gỗ sâu bên trong những thùng thép không gỉ chứa kem; họ không thể quên tiếng lanh canh của những chiếc thìa chạm vào thành cốc trong những cuộc nói chuyện hào hứng ngày xưa ở thủ đô Damascus. Họ là những người chạy loạn khỏi cuộc xung đột ở Syria, đang đau đáu nhớ quê nhà.
Để có kem đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng đặc biệt trên, Janoub, ông chủ 25 tuổi của tiệm kem ở Amman cho hay kem vẫn được sản xuất ở Damascus để “giữ được chất lượng đặc biệt Syria của nó. Sau đó, chúng được vận chuyển tới đây mỗi ngày trong những chiếc xe đông đá”. Hành trình vượt qua quãng đường dài 170km đi về phía nam từ Damascus đến Amman là cả một hành trình mạo hiểm, men qua những khu vực bị bom dội phá và có thể gặp phải nhiều chướng ngại dọc đường. Janoub nói: “Đôi khi có thể chạm mặt quân nổi dậy Syria, đôi khi lại gặp quân chính phủ và cũng có lúc bị các băng nhóm tội phạm chặn đường”.
Nguy hiểm là thế nhưng tiệm kem với thiết kế nội thất thể hiện không gian đặc trưng của một cửa tiệm phục vụ đồ ăn nhanh và gợi nhớ về chính tiệm kem Bakdash vẫn xoay sở để có thể hoạt động bình thường. Anh Janoub cho hay 60 – 70% khách hàng của anh là người Syria. Nhiều người trong số họ nằm trong số gần nửa triệu người đã bỏ lại nhà cửa, chạy loạn đến Jordan sinh sống. Theo Janoub, đây không chỉ đơn thuần là một tiệm kem. Anh nói: “Tôi đã thấy những quý bà lớn tuổi bật khóc khi họ bước vào cửa hàng vì họ thấy một 'tinh thần của Damascus' được tái hiện ở ngay đây".
Nhưng với Mohammed, 24 tuổi, một nhân viên làm việc tại tiệm kem, thì nơi đây vẫn chỉ là quê người. Anh nói: “Làm việc ở tiệm kem này khiến cho tôi có cảm giác như được ở nhà vậy, nhưng nó vẫn không phải là Damascus bằng da bằng thịt. Khách hàng vẫn nói rằng mùi hương của Damascus hiện diện ở đây, nhưng với tôi tất cả chúng đều vẫn đang nằm lại nơi quê nhà xa xôi”.
Mỗi một nhân viên ở tiệm kem Amman mang theo một câu chuyện riêng của họ. Cậu thanh niên Karim 20 tuổi, gương mặt lúc nào cũng khó có thể gượng được một nụ cười, đến từ thành phố Homs ở phía tây Syria với một nỗi buồn u uất trong tâm trí. Karim kể: “Bố mẹ tôi vẫn ở đó, và tôi đã tận mắt chứng kiến anh em họ của mình bị giết ở quê nhà”.
Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã buộc nhiều người rời bỏ nhà cửa, thậm chí ly tán gia đình đến Jordan sinh sống. Và giờ đây, ngay tại con phố Madina Munawwara, những đứa con Syria luôn hướng về quê nhà đã tìm được một Syria thu nhỏ gói mình trong lòng Jordan. Ở đây, họ tìm được thứ cảm giác giúp xoa dịu nỗi nhớ khôn nguôi về mảnh đất nơi họ đã buộc phải dứt bước ra đi.
Anh Minh (Theo AFP)