Những ngày này, cứ giở báo, nghe đài hay bật tivi, khắc thấy cả nước Mỹ đang bao trùm một nỗi lo: bí quyết công nghệ, bí mật an ninh quốc phòng có thể bị đánh cắp bất cứ lúc nào từ các cuộc tấn công mạng xuất xứ từ Trung Quốc. Còn hơn cả việc đánh cắp bí mật quốc gia là lo ngại cho tính an toàn của hệ thống mạng của nước Mỹ khi mà mọi hoạt động của xã hội này, từ chuyện ăn ngủ, đi lại, học hành, rồi từ việc gieo hạt của bác nông dân đến hoạt động của các phi hành gia đều bất động nếu… mất mạng. Mạng với nước Mỹ quan trọng như thế, nên người xứ này có lý do để lo sốt vó như vậy khi hàng loạt vụ tấn công xâm nhập mạng từ Trung Quốc bị phát giác và con số thiệt hại do chúng gây ra thực sự gây sốc.
Nước Mỹ canh cánh nỗi lo về nạn tin tặc. |
Trong hàng loạt vụ tấn công ấy, đầu tiên có thể kể đến việc Công ty an ninh mạng Mandiant, có trụ sở tại bang Virginia hồi tháng 2 vừa qua tố cáo đơn vị 61398 với sự bảo trợ của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đứng đằng sau hàng loạt vụ xâm nhập và đánh cắp thành công hàng trăm terabyte dữ liệu từ ít nhất 141 tổ chức, công ty Mỹ chỉ tính từ năm 2006. Đơn vị 61398 này đã nhắm vào 20 ngành công nghiệp trọng điểm của Mỹ, từ các nhà thầu quân sự, các nhà máy hóa chất, khai thác mỏ đến các công ty vệ tinh và viễn thông. Lẽ dĩ nhiên, trong hàng trăm terabyte ấy chủ yếu là các bí quyết công nghệ, bí mật công ty, các thương vụ sáp nhập và thâu tóm để giúp các công ty Trung Quốc giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Từ phát giác của Mandiant, các nhà làm luật Mỹ đã nhẩm tính lại những thiệt hại kinh tế từ các vụ xâm nhập mạng và đánh cắp dữ liệu này. Chưa biết sai số thế nào, con số ước tính đã làm nhiều người Mỹ phải giật mình: Chỉ tính riêng năm 2012, các doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại tới hơn 300 tỷ USD do các vụ đánh cắp bí mật thương mại, mà phần lớn đều do gián điệp mạng có xuất xứ từ Trung Quốc, thực hiện. Trong một cuộc họp báo cách đây chưa lâu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victor Nuland đã phải thốt lên rằng Washington coi hoạt động tin tặc kiểu này là mối đe dọa không chỉ với an ninh quốc gia mà còn là lợi ích kinh tế của Mỹ.
Chưa hết bàng hoàng từ phát hiện của hãng Mandiant, mới đầu tuần vừa rồi, một trong những tờ báo uy tín nhất nước Mỹ, tờ Bưu điện Washington, lại dẫn báo cáo của Ủy ban khoa học quốc phòng Mỹ, cho biết các thiết kế của hơn 44 hệ thống vũ khí quan trọng của Mỹ đã bị các tin tặc xâm nhập. Không biết có bản thiết kế nào đã bị đánh cắp trọn vẹn hay chưa, nhưng những loại vũ khí tối tân mà người Mỹ đầu tư nhiều tiền của để nghiên cứu, chế tạo đã bị “khám phá” và đối thủ khám phá được đương nhiên sẽ tìm cách để vô hiệu hóa chúng trên chiến trường. Điều đáng nói nữa là trong số các hệ thống quốc phòng bị sờ đến này có cả hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến (PAC-3), máy bay chiến đấu F/A-18, trực thăng Black Hawk và máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey, đều là những niềm tự hào của quân đội Mỹ.
Vẫn biết, để giữ hòa khí vì lợi ích kinh tế thương mại quá lớn từ cường quốc thứ hai thế giới này, bấy lâu nay Washington chỉ nêu vấn đề an ninh mạng một cách kín đáo với giới chức Trung Quốc, hoặc nếu có nói công khai, cũng chỉ là chung chung, không vạch mặt, chỉ tên ai cả. Song do tính nghiêm trọng của vấn đề sau những phát hiện gây sốc kể trên, Washington đã không thể kiềm chế thêm được nữa. Tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ là Cố vấn An ninh quốc gia, Tom Donilon, đã công khai chỉ đích danh Trung Quốc là nguồn cơn của các cuộc tấn công mạng vào các công ty, tập đoàn và cơ quan trọng yếu Mỹ. Kể từ đó, sức ép với Trung Quốc đã ngày càng tăng và an ninh mạng đang là vấn đề “nóng” trong quan hệ song phương.
Có sống và làm việc tại Mỹ mới thấy được tầm quan trọng sống còn của an ninh mạng đối với đất nước này. Ở đây, từ những việc cỏn con, như giờ thu gom rác, khám bệnh, nhập học, đến những thương vụ hàng tỷ đô la, hay những chuyến bay vào vũ trụ... người Mỹ đều phải nhờ đến mạng. Ai cũng biết, do vị thế và ảnh hưởng của mình, tin tặc nhắm vào Mỹ có thể xuất phát từ nhiều nơi. Và vì vậy, sức nóng dư luận đang đè nặng lên chính quyền Mỹ, buộc Washington phải làm gì đó trong quan hệ với cường quốc số hai thế giới này, nơi các tập đoàn, công ty Mỹ cũng đang cân nhắc giữa cái được và cái mất khi làm ăn tại đây. Những người lạc quan ở Mỹ đang hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại bang California vào đầu tháng này có thể là cơ hội để nước Mỹ vơi đi nỗi lo về nạn tin tặc. Song, chỉ tiếc rằng thời nay, không chỉ riêng ở Mỹ, mà có lẽ ở đâu cũng thế, dân lạc quan không còn là đa số nữa.
Quang Tuyến (P/v TTXVN tại LHQ)