Trên bình diện quốc gia, bước tiến đã chậm lại. Một số bang đang cho ngừng các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cộng đồng thiết yếu nhất ngay cả khi diễn biến lây nhiễm xấu đi. Cụ thể, trong tuần vừa qua, Mỹ ghi nhận trung bình 65.000 ca nhiễm mới/ngày, không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó và chấm dứt 6 tuần liên tiếp tỉ lệ ca lây nhiễm giảm ở mức hai con số. Mới nhất, toàn nước Mỹ trong ngày 4/3 ghi nhận 67.415 ca mắc mới, với 1.949 trường hợp tử vong.
Mỹ đang đi đúng hướng. Nhưng 65.000 ca nhiễm/ngày không phải là con số cho thấy virus đang được kiểm soát tốt. Bởi đây cũng chính là ngưỡng mà Mỹ từng ghi nhận trong tháng 7, thời cao điểm bùng phát ca nhiễm và tử vong trong mùa hè.
Tại Texas, bang đông dân thứ hai ở Mỹ, Thống đốc Greg Abbott mới đây đã rút lại quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được quyết định hoạt động hết công suất. Ông cho biết, các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm không còn cần thiết nhờ những bước tiến về vaccine và tiêm chủng. Nhưng trên thực tế, Texas còn lâu mới thoát được đại dịch. Ca nhiễm mới tại bang này đã tăng 27% trong tuần qua.
Thống đốc bang Mississippi Tate Reeves ngày 2/3 cũng ra lệnh rỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn cách đối với doanh nghiệp, cũng như quy định đeo khẩu trang. Trong khi số ca nhiễm mới tại Mississippi tăng 62% trong tuần trước – tỉ lệ gia tăng lây nhiễm cao nhất tại Mỹ trong cùng thời kỳ.
Ngoài Texas và Mississippi, số ca nhiễm mới cũng tăng ở 8 bang khác. Điều này phần nào cho thấy một thực tế, nếu giới chức chính quyền gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nước Mỹ có thể sẽ phải đối diện với một đợt bùng phát mới – làn sóng lây nhiễm thứ tư, trước cả khi chiến dịch tiêm chủng vaccine có cơ hội phát huy công dụng.
Chiến dịch vaccine đang được triển khai ở cấp độ quyết liệt, đạt 2 triệu mũi tiêm/ngày, với mục tiêu tất cả người trưởng thành tại Mỹ sẽ được tiêm ngừa ít nhất một mũi vào cuối tháng 5 như cam kết của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, nhiều biến chủng virus lại xuất hiện, đồng nghĩa với việc những người chưa được tiêm ngừa có thể mắc và lây lan dễ dàng hơn so với trước đây. Mức độ xâm lấn của biến chủng càng lớn, càng khó để Mỹ thoát khỏi đại dịch, bất kể là trong hiện tại hay tương lai.
Những vaccine đang có trên thị trường dường như giảm hiệu lực trước hai biến chủng có nguồn gốc từ Nam Phi và Anh. Nó cho thấy virus có thể vẫn lây lan, phát tán trên thế giới ngay cả khi phần đông dân chúng được tiêm vaccine. Điều đó đồng nghĩa với việc, COVID-19 có thể không hoàn toàn biến mất, các ổ dịch có thể bùng phát rải rác ở nhiều nơi, kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi phải tăng cường tiêm phòng vaccine cũng như các biện pháp bảo vệ an toàn, chống lây nhiễm.
Đà lây lan trên diện rộng khiến biến thể mới xuất hiện. Giới chuyên gia nhận định, con đường để đạt tới viễn cảnh tốt đẹp về chấm dứt đại dịch chỉ có thể là đẩy mạnh tiêm chủng và tiếp tục thực hiện kiểm soát virus kết hợp với các biện pháp hạn chế lây lan như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Không làm được điều này, mọi thứ sẽ chuyển biến xấu trong thời gian tới.
“Nếu chỉ đưa số người được tiêm ngừa lên mức nhiều nhất có thể, đó vẫn con đường và cách thức cũ như (Mỹ) đã từng làm trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Nhưng kết quả sẽ không còn như trước”, Shane Crotty, chuyên gia virus tại Viện Y học miễn dịch La Jolla tại San Diego chia sẻ.