Những đoạn video cho thấy những con rệp giường bò lổm ngổm trên tàu cao tốc và tàu điện ngầm Paris đã được đăng tải trên mạng xã hội. Nhiều người còn cho biết đã nhìn thấy chúng trong rạp chiếu phim và thậm chí tại Sân bay Charles de Gaulle. Các trang báo trực tuyến cũng bắt đầu đề cập thường xuyên hơn đến loài rệp giường.
Sau khi các báo cáo đến được các cấp cao nhất của chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Clemente Beaune cho biết hôm 28/9 rằng ông sẽ thảo luận vấn đề này với các nhà khai thác vận tải vào tuần tới.
Hứa hẹn sẽ “trấn an và bảo vệ” khách du lịch sử dụng hệ thống giao thông công cộng, ông Beaune cho biết trên X, tên gọi mới của Twitter, rằng các nhà khai thác vận tải sẽ “hành động nhiều hơn để phục vụ khách hàng”.
Bài đăng của ông được đưa ra một ngày sau khi Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Grégoire thay mặt Tòa thị chính thủ đô Pháp viết một lá thư kêu gọi Thủ tướng Élisabeth Borne hành động trước “tai họa”.
Theo Reuters, ông Grégoire viết: “Chính phủ cần khẩn trương đưa ra kế hoạch hành động chống lại tai họa này khi Pháp đang chuẩn bị chào đón Thế vận hội Olympic và Paralympic năm 2024”.
“Không ai được an toàn", ông Grégoire nói trong một bài đăng hôm 27/9 trên X khi kêu gọi “các biện pháp phối hợp” giữa cơ quan y tế và cộng đồng địa phương để ngăn chặn sự lây lan của loài rệp giường, vốn thường trú ngụ trong đồ nội thất, quần áo, chăn ga gối đệm và hút máu vào ban đêm. Con rệp cái có thể đẻ tới 7 quả trứng mỗi ngày, nghĩa là dịch rệp giường có thể lây lan nhanh chóng.
Phát biểu với đài truyền hình Pháp LCI hôm 28/9, Phó thị trưởng Gregoire gọi hiện tượng rệp này là "lan tràn". Ông nói: “Bạn phải hiểu rằng trên thực tế không ai an toàn, rõ ràng là có những yếu tố rủi ro, bạn có thể dính rệp ở bất cứ đâu và mang chúng về nhà”.
Theo một nghiên cứu vào tháng 7 của ANSES, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro sức khỏe trong thực phẩm, môi trường và nơi làm việc thì “hơn 1/10 hộ gia đình ở Pháp đã bị rệp xâm nhập” từ năm 2017 đến năm 2022.
Các chuyên gia về côn trùng cho biết vết cắn của rệp giường có thể dẫn đến phát ban, phản ứng dị ứng và phồng rộp. Họ khuyên người dân nên giặt quần áo và ga trải giường ở nhiệt độ cao, hút bụi đồ đạc và thảm, đồng thời gọi dịch vụ kiểm soát dịch hại nếu vấn đề vẫn tiếp diễn.
Theo ANSES, mặc dù mức thu nhập không ảnh hưởng đến khả năng một hộ gia đình trở thành nạn nhân của rệp giường, nhưng lại khác nhau ở khả năng của họ trong việc thuê các dịch vụ diệt côn trùng, có giá tới trên 900 USD một lần.
Trong một dòng tweet riêng, Phó Thị trưởng Grégoire nói rằng thành phố đang hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn trong việc giúp họ trang trải chi phí diệt côn trùng và kêu gọi các công ty bảo hiểm nhà ở đưa chi phí diệt côn trùng vào kế hoạch của họ.
Bà Sophie Marie Niang, sống qua lại giữa Paris và Cambridge, Anh, nơi bà đang theo học tiến sĩ xã hội học, cho biết: “Các công ty tư nhân được ký hợp đồng xử lý rệp và họ được tự do định giá". Bà cho biết, tình trạng lây nhiễm trở nên trầm trọng hơn đối với những người không đủ khả năng chi trả với mức giá cao do nhu cầu diệt côn trùng ngày càng tăng.
Theo bà, các thành viên Quốc hội đại diện cho các cộng đồng nghèo ở ngoại ô Paris đã kêu gọi chính phủ kiểm soát giá diệt côn trùng ể từ năm 2019, nhưng đã bị phớt lờ.
Bà nói thêm rằng khách du lịch lưu trú trong những căn hộ cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn với tiêu chuẩn vệ sinh và dọn dẹp không được kiểm soát có nhiều khả năng đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi họ vô tình di chuyển côn trùng qua các khu vực trung tâm, thịnh vương hơn của Paris, tạo thêm một cuộc khủng hoảng mới cho thành phố trước Thế vận hội Mùa hè năm 2024.
Ba năm trước, chính phủ Pháp đã phát động một chiến dịch chống rệp, trong đó có đưa ra một trang web chuyên biệt và một đường dây nóng thông tin để phục vụ người dân. Nhưng Phó thị trưởng Gregoire nói rằng bất chấp kế hoạch đó, “có 3,6 triệu người vào Paris mỗi ngày và rệp không dừng lại ở ngoại ô thành phố”.
Bà Johanna Fite, thuộc bộ phận đánh giá rủi ro của Anses, nói với CNN: “Chủ yếu là do sự di chuyển của người dân, người đi du lịch, thực tế là mọi người ở những nơi lưu trú ngắn hạn thường mang rệp về trong vali hoặc hành lý của họ”.
Bà Fite nói thêm rằng số lượng rệp đang "leo thang" vì chúng ngày càng kháng thuốc trừ sâu. “Chúng tôi đang quan sát thấy ngày càng nhiều quần thể rệp có khả năng kháng thuốc, vì vậy không có phương pháp điều trị thần kỳ nào để loại bỏ chúng”.
Tuy nhiên, Phó thị trưởng Paris cảnh báo không nên quá hoảng loạn về vấn đề này. “Không có mối đe dọa nào đối với Thế vận hội", ông Grégoire khẳng định.