Trừ các tỉnh hải ngoại, nơi công tác tiêm chủng còn chậm khiến dịch bệnh vẫn đang hoành hành, cuộc chiến chống COVID-19 ở Pháp đã có nhiều khả quan. Mặc dù con số người nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, vẫn trên dưới 7.000 ca/ngày, nhưng so với giai đoạn đỉnh điểm của dịch từng lên tới 50.000 ca/ngày thì tỷ lệ nhiễm có xu hướng giảm đi rất nhiều. Số bệnh nhân diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19 cũng giảm rõ rệt, ngày 5/9 là gần 50 ca. Có thể nói nước Pháp đang dần bước ra khỏi khủng hoảng y tế, các giải pháp phòng chống dịch được đánh giá đi đúng hướng, các gói phục hồi kinh tế đang phát huy tác dụng.
Nhìn lại cuộc chiến chống COVID-19 gần 2 năm qua của nước Pháp, có thể thấy một trong những bí quyết đem lại hiệu quả là sự chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt từ trên xuống, cũng như việc triển khai đồng bộ và thống nhất của chính quyền địa phương các cấp.
Ở Pháp, tổng thống là người chỉ huy toàn bộ chiến dịch, nhưng chính phủ và chính quyền các cấp lại là đối tượng triển khai các quyết định, giải pháp... Trên cơ sở các ý kiến tư vấn của một hội đồng khoa học bao gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học, kinh tế, xã hội..., tổng thống sẽ bàn bạc, đưa ra các quyết định và chỉ đạo mang tính toàn quốc. Tuân thủ đường lối chỉ đạo chung, nhưng các địa phương lại chủ động và linh hoạt ứng dụng các giải pháp phù hợp với bối cảnh và tình trạng dịch bệnh ở địa phương của mình. Trong trường hợp cần phải đưa các quyết định vào luật thì các dự thảo đó sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, đưa ra lưỡng viện (Thượng viện và Hạ viện) bỏ phiếu và Hội đồng thể chế phê duyệt trước khi áp dụng trong cuộc sống.
Trong những giai đoạn đỉnh điểm của dịch, số ca mắc mới ở Pháp có ngày lên tới 50.000 người và số ca tử vong khoảng 1.400 người, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ được khuyến cáo tự cách ly ở nhà do chính quyền không đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn lực để chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện. Các nhân viên cứu trợ thường xuyên gọi điện hỏi thăm và sẵn sàng trợ giúp, tiếp tế lương thực thực phẩm. Các đường dây nóng luôn có bác sĩ trực để hướng dẫn các phương pháp tự điều trị tại nhà. Chỉ khi bệnh trở nặng, bệnh nhân không thở được, cần cấp cứu, thì các lực lượng cứu hộ sẽ tới và giúp đưa vào bệnh viện.
Những trường hợp đã khỏi bệnh, bình phục hoàn toàn lại chính là những lực lượng trợ giúp đắc lực cho công tác phòng chống dịch. Họ được kêu gọi tham gia và giúp đỡ đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện, triển khai trợ giúp xã hội tại địa phương, cũng như chia sẻ, tư vấn và hướng dẫn cho những người khác đang bị bệnh phải cách ly tại nhà.
Một trong những giải pháp phòng chống dịch được chính quyền thực hiện khá hiệu quả là áp dụng giãn cách xã hội. Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, trong vòng 2 năm, nước Pháp đã phải áp dụng giãn cách xã hội và lệnh giới nghiêm đến 3 lần: lần thứ nhất kéo dài 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/2020; lần thứ hai từ tháng 9-11/2020 và gần đây nhất là tháng 3-4/2021.
Tuy nhiên, để tránh làm ngưng trệ mọi hoạt động của cuộc sống và tê liệt hoàn toàn nền kinh tế, vẫn có những trường hợp được phép ra ngoài trong thời gian giãn cách. Giấy phép ra đường hay còn gọi là giấy thông hành được sử dụng như một giải pháp để quản lý các đối tượng đi lại. Trong thời gian giãn cách, các quy định được thông báo rõ ràng cụ thể trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng và được áp dụng nghiêm túc, triệt để.
Theo thông báo của chính phủ, trong thời gian áp dụng giãn cách và giới nghiêm, chỉ có 7 đối tượng được ra ngoài lưu thông trên đường và phải mang theo giấy phép: những người buộc phải đến nơi làm việc do hoạt động nghề nghiệp không thể thực hiện được từ xa; các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh không thể trì hoãn; hoạt động chăm sóc trẻ em, người già, tàn tật không có khả năng tự phục vụ; các hoạt động theo giấy triệu tập của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng theo yêu cầu của các cơ quan hành chính hoặc các tổ chức xã hội hoạt động hợp pháp; đi chợ hoặc mua sắm các đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt; và cuối cùng là đi ra ngoài nhanh trong giới hạn cho phép 1giờ/ngày và trong bán kính tối đa 1 km xung quanh nơi ở, nhằm giải quyết các nhu cầu cá nhân liên quan đến hoạt động thể chất, đi dạo đơn lẻ hoặc với người cùng sống trong một nhà, hoặc phục vụ nhu cầu của vật nuôi.
Tất cả các trường hợp ra đường nói trên đều phải có giấy phép, theo mẫu chung áp dụng trên toàn quốc và được tải từ trang hành chính công của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tư pháp, hoặc được in sẵn phát cho các hộ gia đình không có máy in. Chỉ có 2 mẫu giấy thông hành là giấy chứng nhận đi làm và giấy đăng ký đi các công việc khác. Giấy đi làm phải có chữ ký và dấu của cơ quan hoặc công ty cấp. Còn giấy đăng ký đi các công việc khác chỉ cần khai báo trên mạng, hoặc viết tay và kèm các giấy tờ chứng minh lý do ra ngoài như hóa đơn mua hàng, giấy triệu tập, chứng nhận khám bệnh, chứng nhận chỗ ở…
Mỗi cá nhân khi ra đường sẽ phải cam kết khai báo thành thật và thực hiện đúng theo nhu cầu đã khai báo. Trong trường hợp vi phạm, mức phạt tối thiểu sẽ là 135 euros/lần, nghiêm trọng hơn có thể bị khởi tố, thậm chí đi tù.
Cảnh sát, hiến binh sẽ là những lực lượng kiểm tra giấy tờ. Các nhà hoạt động xã hội và tình nguyện viên sẽ là lực lượng hỗ trợ trong trường hợp các gia đình có nhu cầu cần giải quyết công việc mà không thể ra ngoài. Đường dây nóng được tăng cường và hoạt động liên tục để các lực lượng cứu hộ có thể ứng phó sự cố kịp thời. Trong thời gian giãn cách, các trung tâm phục vụ hàng thiết yếu vẫn mở cửa phục vụ khách trong các điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch. Hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm vẫn được đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân. Những người phải nghỉ việc do dịch bệnh, các hộ gia đình khó khăn được nhà nước cấp một khoản hỗ trợ tối thiểu để có thể mua sắm lương thực và các đồ dùng thiết yếu, đủ sống trong thời gian giãn cách.
Chính nhờ việc tổ chức quản lý khoa học và thống nhất nên cả ba đợt giãn cách đều bảo đảm các điều kiện sống và phòng chống dịch hiệu quả. Và trên hết là ý thức và tinh thần tự giác của người dân, chỉ ra đường khi cần thiết, đã giúp các đợt giãn cách thành công và dịch bệnh phần nào được kiểm soát.
Hiện nay, ngay cả khi tình hình đã trở nên khả quan, Chính phủ Pháp vẫn không ngừng đề cao cảnh giác. Để đối phó với nguy cơ bùng phát của làn sóng dịch thứ tư, tránh việc phải áp dụng giãn cách lẫn nữa, giấy chứng nhận y tế là công cụ kiểm soát việc đi lại ở những nơi đông người, đặc biệt là các cơ sở y tế, trung tâm dưỡng lão, khu vực công cộng như bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, nhà hàng, sân bay, tàu hỏa, xe bus đường dài. Chứng nhận y tế có thể là giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ, hoặc giấy chứng thực đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Quy định này được áp dụng trên toàn nước Pháp và kéo dài ít nhất là đến cuối tháng 11/2021. Thậm chí, tất cả các bệnh viện và nhiều cơ quan, công sở trường học đã coi giấy chứng nhận y tế như một điều kiện bắt buộc để tiếp tục các hợp đồng làm việc của nhân viên.
Giới chức Pháp hy vọng, với các nỗ lực như vậy, Pháp có thể nhanh chóng thoát khỏi đại dịch, tập trung vào phục hồi nền kinh tế vốn đã quá mệt mỏi vì phải vật lộn chống lại COVID-19 suốt 2 năm qua.