Vụ tấn công tòa soạn tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng đã khiến cả nước Pháp bàng hoàng. Vụ việc cũng đặt ra một câu hỏi rằng nước Pháp đã có những chính sách và hành động gì với cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu để dẫn tới vụ tấn công kinh hoàng trên.
Phần lớn phản ứng với vụ thảm sát tòa soạn báo ở Paris mới chỉ tập trung chỉ trích hành động tàn bạo của thủ phạm và thể hiện lòng đoàn kết với nạn nhân. Ít ai ngồi bình tâm nghĩ lại và phân tích xem vì đâu nên nỗi? Điều gì đã dẫn tới hành động khủng bố này?
Cảnh sát Pháp bao vây bên ngoài một cửa hàng tạp hóa ở Saint - Mande, gần Porte de Vincennes, phía đông Paris, nơi tay súng Coulibaly bắt giữ 5 con tin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhà phê bình đã chỉ ra ba vấn đề chính: chính sách đa văn hóa của châu Âu, sự phản kháng của người Hồi giáo trong xã hội và yếu kém của lực lượng cảnh sát vốn không được huấn luyện cho những “tình huống kiểu chiến tranh”. Ba yếu tố này mới chính là cơ sở dẫn tới vụ tấn công, chứ không phải là chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông.
Nhiều người cho rằng mô hình đa văn hóa của Pháp đã tạo ra vết nứt trong lòng xã hội nước Pháp giữa người Hồi giáo và cộng đồng phi Hồi giáo. Ông Robin Tilbrook, chủ tịch các nghị sĩ Dân chủ Anh nói với hãng tin RT rằng kiểu chính sách này không bền vững: “Chúng ta có các xã hội tồn tại song song mà rất ít có mối liên hệ với nhau và không chia sẻ giá trị chung. Hậu quả là chúng ta có nhiều thành phần bị quy vào hạng thấp kém trong xã hội”.
Trước khi xảy ra vụ Charlie Hebdo, nhiều người Hồi giáo ở Pháp đã cảm nhận được tâm lý chống Hồi giáo khắc nghiệt, bảo thủ. Cô Cecile Le Roux, một công dân Pháp chính hiệu theo Thiên Chúa giáo, kết hôn với một doanh nhân Hồi giáo khá nổi tiếng kiêm nhà hoạt động chính trị, cho biết cô cảm thấy rõ tâm lý chống Hồi giáo nhằm vào mình và gia đình mình.
Ngoài vấn đề Hồi giáo, dư luận còn đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng của cảnh sát Pháp khi đối phó với những phần tử cực đoan như anh em nhà Kouachi. Ông Eric Denece, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Pháp cho biết cảnh sát Pháp vũ trang quá nhẹ, chỉ gồm vài khẩu súng cầm tay cùng súng máy và chưa hề có kinh nghiệm với những tình huống kiểu chiến tranh.
Một khó khăn nữa mà cảnh sát Pháp phải đối mặt là số người có thể là khủng bố được đặt trong tầm giám sát. Pháp có chừng 1.000 đến 1.500 người có thể gây nguy hiểm với xã hội. Phần lớn đã nằm trong hồ sơ cảnh sát nhưng cảnh sát không thể dự báo hành động của nhóm người này. Hơn nữa, sau một thời gian án binh bất động, dường như tình báo Pháp đã bỏ qua việc theo dõi các cá nhân có vấn đề. Đó chính là những gì đang xảy ra với vụ xả súng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo khi một trong hai nghi phạm từng bị kết án là chiến binh thánh chiến Hồi giáo.
Vậy phải làm thế nào với rạn nứt trong lòng nước Pháp? Ông Asghar Bukari, thành viên sáng lập Ủy ban các vấn đề Hồi giáo ở Anh, cho rằng cả các lãnh tụ tôn giáo và chính phủ Pháp phải làm tốt hơn trong hòa nhập người Hồi giáo vào xã hội và nhìn họ theo cách không thành kiến. Ông Bukari cho rằng cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố chỉ làm tồi tệ mọi việc và khiến người Hồi giáo cảm thấy bị phương Tây căm ghét.
Nhật Huy