Kênh CNN dẫn nguồn báo cáo của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC) có trụ sở tại Mỹ đưa tin 1,3 tỉ dân Ấn Độ đang phải đối mặt với mức ô nhiễm trung bình hàng năm vượt quá hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các chuyên gia nhấn mạnh ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ của 40% người dân Ấn Độ, tức khoảng 520 triệu người.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, Chính phủ Ấn Độ đã công bố chiến dịch Không khí sạch quốc gia vào năm 2019, nhằm mục đích giảm ô nhiễm dạng hạt lên tới 30% vào năm 2024. Nhưng trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở bang phía tây Maharashtra và bang miền trung Madhya Pradesh.
“Thủ đô Delhi của Ấn Độ cũng bị ô nhiễm nặng. Cư dân Delhi có thể sống thêm 10 năm nếu giảm thiểu tình trạng ô nhiễm theo hướng dẫn của WHO và tăng tuổi thọ thêm 7 năm nếu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn quốc gia của Ấn Độ”, nghiên cứu viết.
Để tính số tuổi thọ, EPIC đã so sánh sức khỏe của những người tiếp xúc lâu dài với các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau, áp dụng kết quả cho nhiều nơi ở Ấn Độ.
Ấn Độ từ lâu đã phải chật vật với vấn đề ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng, từ các trung tâm đô thị đông đúc có mật độ xe cộ và chất thải công nghiệp tăng cao, đến nhiều khu vực nông nghiệp nông thôn bị ô nhiễm do người dân đốt rơm rạ.
Năm ngoái, 20 triệu dân của Delhi đã được hít thở bầu không khí trong lành hơn vào mùa hè, nhờ vào việc thực hiện các biện pháp hạn chế và phong toả phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, sau đó họ lại phải đối mặt với bầu không khí ô nhiễm vào mùa đông, khi lượng chất thải từ việc đốt phế liệu của các trang trại tăng mạnh ở các bang gần đó là Punjab và Haryana.
Báo cáo cũng nêu bật một số yếu tố là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài, bao gồm quá trình công nghiệp hóa hàng loạt, nhu cầu năng lượng và sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng vọt.
Theo xếp hạng toàn cầu hàng năm của IQAir AirVisual - tổ chức đo lường chất lượng không khí dựa trên nồng độ của các hạt trong không khí có hại cho phổi (bụi mịn PM2.5), vào năm 2019, Ấn Độ có 21 trong tổng số 30 thành phố có mức ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Thành phố ô nhiễm tồi tệ nhất năm đó, Ghaziabad, đã ghi nhận mức ô nhiễm dạng hạt cao gấp 9 lần mức Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ coi là lành mạnh.
Ô nhiễm là một vấn đề không chỉ của riêng Ấn Độ, mà còn lan rộng ra khắp khu vực Nam Á. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh liên tục bị xếp vào danh sách 5 quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới. Người dân ở những khu vực này cũng có nguy cơ giảm tuổi thọ.
Theo nghiên cứu của EPIC, nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh, có thể tăng tuổi thọ trung bình thêm 5,4 năm nếu quốc gia này nâng cao chất lượng không khí đạt mức mà WHO khuyến nghị.