Bụi và khói tích tụ trong không khí, làm suy giảm chất lượng không khí khiến người dân khó thở, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng, chống ô nhiễm.
Trong những ngày qua, chất lượng không khí ở New Delhi ở mức rất xấu. Trước đó, chỉ số này ở mức nguy hại. Tuy nhiên, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) cho biết AQI tại New Delhi trong ngày 15/11 là 228, có nghĩa là chất lượng không khí ở mức xấu.
Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân dẫn tới suy giảm chất lượng không khí ở New Delhi là do tốc độ gió chậm và việc đốt rơm rạ tại các bang lân cận. Hoạt động sản xuất, xây dựng và lưu thông phương tiện giao thông cơ giới cũng góp phần gây ô nhiễm không khí trong thành phố.
Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở thủ đô của Ấn Độ là các loại bụi mịn PM 2.5 và PM 10. Các chuyên gia cho biết PM 2.5 có thể xâm nhập đường hô hấp, đến phổi và đi vào máu.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy gần 80% các hộ gia đình sinh sống ở New Delhi và những vùng lân cận có người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo các báo cáo, nhiều người bị khó thở, trong đó người già và học sinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước tình hình trên, cơ quan bảo vệ quyền trẻ em của Ấn Độ, Ủy ban Quốc gia bảo vệ quyền trẻ em đã khuyến nghị đóng cửa trường học cho đến khi không khí bớt ô nhiễm. Giới chức y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người mắc bệnh về đường hô hấp, giảm thiểu thời gian ở ngoài trời cho đến khi chất lượng không khí được cải thiện.
Các bác sĩ cho biết chất lượng không khí ở mức nguy hại ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh và tác động nghiêm trọng đến những người có bệnh nền phổi. Do đó, người dân cần sử dụng khẩu trang phòng độc N-95 hoặc P-100 khi ra ngoài. Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cần hạn chế làm các công việc nặng nhọc ngoài trời trong thời gian dài, giảm cường độ lao động, tăng thời gian nghỉ ngơi. Những người mắc bệnh hen suyễn cần thường xuyên mang theo thuốc.