Trong báo cáo công bố ngày 16/10, EEA khẳng định ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm môi trường tác động lớn nhất tới sức khỏe của con người. Mặc dù tình trạng bụi mịn (PM) gây nguy hiểm tại các thành phố thuộc châu Âu đang có xu hướng giảm, nhưng mức độ ô nhiễm không khí tại châu Âu vẫn cao hơn tiêu chuẩn của EU và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Luật pháp EU yêu cầu tất cả các nước thành viên liên minh phải đánh giá mức độ ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại khu vực thành thị với các chất gây ô nhiễm, mật độ bụi mịn, đồng thời yêu cầu phải có các hành động nếu mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã yêu cầu Tòa án Công lý EU có những biện pháp xử phạt đối với hai nước là Bulgaria và Tây Ban Nha do vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng không khí cũng như cảnh báo các nước thất bại trong việc bảo vệ người dân đối phó với tình trạng ô nhiễm.
Theo EEA, một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí đó là khí ni-tơ đi-ô-xít, một loại khí độc có trong khí thải ô tô. Chính vì vậy, giảm số lượng ô tô là một yếu tố quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.
Mới đây, Chính phủ Anh đã đề xuất một dự luật môi trường mới với các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giúp giảm các hạt mịn trong không khí và buộc các nhà sản xuất ô tô phải thu hồi các xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.