Theo báo cáo trên, Thụy Sĩ có một số lợi thế khi các trường học phải ngừng hoạt động trong thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 và việc đào tạo nghề vẫn tỏ ra hiệu quả.
Báo cáo của OECD nêu rõ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đối với giáo dục và đào tạo nghề (VET) trên toàn cầu khi các doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến việc học nghề trở nên khó khăn hơn. Để khắc phục điều này, tháng 5 vừa qua, Chính phủ Thụy Sĩ đã thành lập lực lượng đặc trách để giúp những người trẻ tuổi học nghề trong bối cảnh đại dịch nhằm đảm bảo giáo dục và việc làm được liên kết với nhau. Ở Thụy Sĩ, 64% học sinh trên 15 tuổi đi học nghề, trong khi những người khác theo học tại một trường để chuẩn bị vào đại học.
Báo cáo nêu rõ Thụy Sĩ nằm trong số các quốc gia OECD có hệ thống dạy nghề vững mạnh, khoảng 90% học sinh trung học phổ thông của nước này đang theo học các chương trình kết hợp vừa học vừa làm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 34% ở các quốc gia OECD.
Giữa tháng 3, các trường học trên toàn Thụy Sĩ đã buộc phải đóng cửa nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch song do thời gian đóng cửa bao gồm kỳ nghỉ Xuân đã được lên lịch trước đó nên tác động của dịch COVID-19 ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, quy mô lớp học của Thụy Sĩ cũng tương đối nhỏ, với chỉ khoảng 19 học sinh tại các trường tiểu học công lập, thấp hơn 2 em so với mức trung bình của OECD, đã tạo điều kiện cho việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội khi các trường mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh viên quốc tế cao hơn tổng số sinh viên trong toàn khối OECD, với khoảng 30% sinh viên tại các trường đại học Thụy Sĩ là người nước ngoài, đại dịch COVID-19 cũng đã phần nào gây tác động đối với Thụy Sĩ. Các trường đại học ở Thụy Sĩ sẽ sớm mở cửa trở lại cho sinh viên vào mùa Thu. Tuy nhiên, số lượng sinh viên năm nay sẽ khá khác so với các năm trước khi có ít sinh viên quốc tế hơn.