Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến, các ngoại trưởng OIC cho rằng kế hoạch sáp nhập là "một tuyên bố chính thức của Israel phá bỏ tất cả thỏa thuận mà nước này đã ký trước đây" và là "sự leo thang nghiêm trọng trong các chính sách thực dân của Israel".
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan nhấn mạnh kế hoạch của Israel đe dọa cơ hội nối lại tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong chuyến thăm Israel cho biết Đức và các đối tác châu Âu đều quan ngại sâu sắc về những hệ quả từ kế hoạch sáp nhập của Israel. Ông Heiko Maas nhấn mạnh Đức và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc sáp nhập này không phù hợp với luật quốc tế, đồng thời khẳng định EU ủng hộ tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về giải pháp hai nhà nước.
Israel dự định sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan, trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 1 vừa qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu tuyên bố kế hoạch sáp nhập có thể được triển khai từ đầu tháng 7 tới.
Kế hoạch này lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế. Chính quyền Palestine tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel. Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye ngày 9/6 khẳng định sẽ tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine với các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1967 nếu Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây.
Kế hoạch hòa bình của Mỹ loại trừ những đòi hỏi cốt lõi của Palestine như Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Chính quyền Palestine đã bác bỏ kế hoạch này. Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cho biết Palestine đã gửi tới nhóm Bộ Tứ về Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga) một kế hoạch được cho là đối trọng với kế hoạch của Mỹ, trong đó đề xuất thành lập "một nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự hóa".