Omicron suy yếu, nhưng còn quá sớm để khẳng định COVID-19 đã qua

Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron giảm có thể chỉ là khoảng lặng nhất định trước khi một biến chủng khác xuất hiện.

Chú thích ảnh
Anh nằm trong số nhóm nước đi đầu vễ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: Xinhua

Với việc số ca mắc mới và tử vong giảm trong vài tuần gần đây, một số quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và lạc quan cho rằng lây lan Omicron giúp thế giới tiến sát hơn tới mục tiêu chấm dứt đại dịch. Đan Mạch đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các quy định hạn chế. Anh không yêu cầu người dân nhiễm COVID-19 phải tự cách ly hay xét nghiệm hàng ngày. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành hướng dẫn mới, nới lỏng quy định về khẩu trang và giãn cách.

Tính trên phạm vi toàn cầu, số ca nhiễm mới và tử vong trong tuần kết thúc ngày 6/3 đã giảm lần lượt 16% và 10% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, giới khoa học thể hiện quan điểm thận trọng khi cho rằng kết thúc sóng lây nhiễm Omicron không đồng nghĩa với đại dịch chấm dứt. Đó có thể chỉ là khoảng lặng giữa hai làn sóng lây nhiễm, như những gì đã diễn ra trong hai năm qua. Khi miễn dịch suy giảm theo thời gian kết hợp với một biến thể mới xuất hiện, nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện lây nhiễm trên diện rộng.

Theo giáo sư Adam Kucharski, chuyên gia dịch tễ tại Trường Khoa học vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), rất khó để dự đoán chính xác thời điểm một biến thể đáng quan ngại mới xuất hiện. Nhưng ông cũng chỉ ra nó giống với khoảng lặng từng có được giữa hai làn sóng lây nhiễm Alpha và Delta trước đây.

“Nhiều nước có số ca nhiễm giảm đang ở thời kỳ ‘trăng mật’ của lây nhiễm thấp, nhất là khi giảm lây nhiễm chủ yếu là đến từ hiệu lực bảo vệ của vaccine, nhưng hiệu lực đó suy yếu nhanh trước Omicron”, ông Kucharski nói. Thực tế, một vài nước châu Âu có thể đã ở giai đoạn ‘trăng mật’ hậu vaccine khi làn sóng Alpha xuất hiện vào đầu mùa hè năm 2021. Nhưng ngay sau đó miễn dịch do tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên giảm dần hiệu lực bảo vệ trước khi làn sóng Delta tràn tới.

Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra với nhiều loại dịch bệnh khác và liên quan đến hệ số lây nhiễm R - một thông số được giới chuyên gia dịch tễ sử dụng để đo lường mức độ lây lan của dịch trong một cộng đồng dân cư. R là số lượng trung bình người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ truyền virus cho người khác khi không có miễn dịch hoặc các biện pháp phòng dịch.

Khi miễn dịch tăng lên, R sẽ giảm và nếu rơi xuống dưới ngưỡng 1 thì đó là thời điểm sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh và đang đi xuống. Ông Kucharski cho biết nếu hệ số này xuống dưới 1, sẽ cần một khoảng thời gian để chuẩn bị đón nhận gia tăng lây nhiễm mới, bỏ lại ‘thời kỳ trăng mật’ mà ở đó lây nhiễm vẫn ở mức khởi đầu thấp.

Xu hướng này này từng được ghi nhận trong một số loại dịch bệnh khác, như dịch sởi. Đó là khi số trẻ em mới sinh chưa được tiêm vaccine ngừa sởi tăng lên, nhưng khả năng miễn dịch của dân số cũng tăng theo, đến một ngưỡng nhất định lại xuất hiện một đợt dịch mới.

Giáo sư Kucharsky nhìn nhận sự xuất hiện của một biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ định hình tương lai miễn dịch của dân số. Nhưng thời điểm nào xuất hiện biến thể mới, đáng quan ngại là điều còn chưa biết rõ. “Chúng ta có thể phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh tiếp theo, tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện biến thể mới. Đương nhiên, mức độ nghiêm trọng của sóng lây nhiễm mới sẽ phụ thuộc vào độc lực của biến chủng, nó có thể sẽ nghiêm trọng hơn như chủng Alpha, hoặc cũng có thể nhẹ hơn – tương tự như chủng Omicron”, chuyên gia này nhận định.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo giáo sư Madhukar Pai chuyên ngành dịch tễ và y tế toàn cầu tại Đại học McGill ở Montreal (Canada), thế giới đã may mắn với sóng lây nhiễm Omicron. Nhưng không có gì bảo đảm rằng biến thể mới nếu xuất hiện trong thời gian tới đây sẽ nhẹ hơn Omicron. Sẽ có thêm các biến chủng, bởi lây nhiễm vẫn đang diễn ra trên diện rộng, khi còn tới hơn 3 tỉ người vẫn chưa được bảo vệ hoàn chỉnh bởi lưới vaccine, chủ yếu là tại các quốc gia thu nhập thấp.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chiến dịch tiêm chủng tại các nước thu nhập thấp đang chậm lại, khi mới chỉ có khoảng 13% dân số tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tỉ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao và trung bình là ,63%.

Ông Pai cho rằng cần đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu ngay cả khi số ca nhiễm Omicron giảm, nhằm ngăn chặn một sóng lây nhiễm có nguy cơ xuất hiện trong vài tháng tới. Chỉ chú trọng tiêm chủng ở nước giàu sẽ không đủ, bởi cách duy nhất để chấm dứt đại dịch là tìm cách kết thúc COVID-19 đồng đều ở tất cả mọi nơi, không để virus SARS-CoV-2 có cơ hội đột biến.

Đây cũng chính là thông điệp được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus nêu ra. Phát biểu tại một sự kiện ngày 28/2, người đứng đầu WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Thế giới hiện vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra về tiêm chủng đủ liều vaccine cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022 cũng như mục tiêu về xét nghiệm, điều trị. Điểm mấu chốt là phải đưa vaccine có sẵn vào tiêm chủng trên thực tế, bảo đảm mọi quốc gia có đủ tiềm lực xét nghiệm, oxy để điều trị bệnh nhân, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Miễn dịch lai - Yếu tố hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến thể Omicron
Miễn dịch lai - Yếu tố hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến thể Omicron

Những nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng lây nhiễm biến thể Delta chống đỡ tốt hơn với làn sóng lây nhiễm Omicron.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN