Các nguồn tin từ Palestine ngày 24/10 cho biết nhóm chuyên gia từ Thụy Sĩ và Nga, những người tham gia khai quật và xét nghiệm mẫu phẩm từ hài cốt cố nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, đã loại bỏ giả thuyết trước đó của chính họ rằng chất phóng xạ polonium là nguyên nhân gây ra cái chết của vị tổng thống này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng ông Arafat bị phơi nhiễm một loại chất độc khác.Báo cáo của nhóm chuyên gia đã được gửi tới Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA). Tướng Tawfiq Al-Tirrawi, người đứng đầu ủy ban của Palestine điều tra về cái chết của ông Arafat từ chối bình luận về thông tin này, song cho biết một cuộc họp báo sẽ sớm được tổ chức để công bố về các kết quả trong bản báo cáo.
Tháng 11/2012, nhóm chuyên gia nói trên đã lấy các mẫu phẩm từ hài cốt của cố Tổng thống Arafat để tiến hành xét nhiệm thêm sau khi một báo cáo điều tra phát hiện các vật dụng cá nhân của ông (như quần áo, bàn chải đánh răng, ga trải giường - do vợ của ông Arafat cung cấp) có dấu vết của chất phóng xạ polonium-210.
Cố nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat. Ảnh: Internet |
Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sau khi được nuốt vào bụng, một phần chất phóng xạ polonium sẽ bị bài tiết ra ngoài, phần còn lại sẽ gây hại đến hệ thống tiêu hóa cùng các cơ quan nội tạng và có thể dẫn đến tử vong. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng ghi nhận rằng ông Arafat không có các triệu chứng rụng tóc hay suy giảm tủy xương, những biểu hiện dễ gặp ở các trường hợp nhiễm độc phóng xạ. Kết quả báo cáo này sau đó được kênh truyền hình Al-Jazeera phát đi trên toàn bộ khu vực các nước nói tiếng Arập.
Ông Yasser Arafat qua đời tại Pháp vào ngày 11/11/2004, thọ 75 tuổi. Các bác sĩ không thể xác định rõ nguyên nhân cái chết. Thời điểm đó, không có cuộc khám nghiệm nào được tiến hành bất chấp lời đề nghị của bà quả phụ Suha Arafat. Tuy nhiên, tháng 11/2012, thi hài của ông đã được khai quật để điều tra với nghi vấn bị đầu độc. Giới chức Palestine cáo buộc Israel đứng đằng sau cái chết của nhà lãnh đạo này sau khi nước này ngăn cản ông rời trụ sở ở Ramallah trong vòng hai năm.
TTXVN/Tin tức