Người sáng lập ra Facebook kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg. Ảnh: AFP |
Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple; Elon Musk, nhà đầu tư tập đoàn ô tô Telsa Motors và tỷ phú công nghệ Marc Benioff ngay lập tức đồng loạt chỉ trích công ty này vì để xảy ra bê bối làm lộ thông tin của hơn 80 triệu người sử dụng cho bên thứ 3 là công ty tư vấn dữ liệu của Anh Cambridge Analytica.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo công nghệ khác cũng tuyệt nhiên giữ im lặng giữa làn sóng chỉ trích Facebook, khác hẳn với truyền thống thường thấy ở Thung lũng Silicon là lên tiếng bảo vệ nhau trong quãng thời gian xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, như vụ Apple đấu tranh với FBI để bảo vệ iPhone được mã hóa và lệnh cấm người nhập cư của Tổng thống Trump đối với phần lớn các quốc gia Trung Đông.
Hiện Facebook đang nỗ lực để chấn chỉnh hình ảnh trong mắt công chúng và lấy lại niềm tin của hơn 2 tỷ người dùng sau vụ bê bối thông tin.
Trong khi Zuckerberg sẽ ra điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ vào ngày 11/4 tới và các nhà làm luật đề xuất sáng kiến áp dụng luật công nghệ mới, đồng nghiệp của ông chủ 33 tuổi này vẫn hoặc một mực giữ im lặng hoặc công khai chỉ trích.
Gennie Gebhart, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Biên giới Điện tử, nhận xét: “Bảo vệ sự riêng tư là điều tốt cho các doanh nghiệp hiện nay. Người sử dụng đang tìm kiếm các cá nhân chuyên về công nghệ khác như Tim Cook, Elon Musk để đảm bảo họ không làm như những gì Facebook đã làm”.
Trái ngược với lần Apple phải đối đầu với FBI về việc xâm nhập vào một chiếc iPhone được mã hóa, Facebook cùng các công ty khác như Google, Microsoft Corp lên tiếng ủng hộ quan điểm của Cook, thì lần này, khi được hỏi về khủng hoảng quyền riêng tư của Facebook, ông chủ Apple lại điềm nhiên phê bình và cam kết “sẽ không thể để tình trạng đó xảy ra nếu như là Zuckerberg”.
Tỷ phú công nghệ Benioff thì ví Facebook giống như thuốc lá, “dễ gây nghiện nhưng lại không hề tốt cho bạn”. Trong khi đó, Elon Musk đã xóa ngay các tài khoản Facebook của công ty và đơn giản đưa ra lời tuyên bố “Chỉ là không thích Facebook mà thôi”.
Giá trị cổ phiếu của Facebook đã giảm 16% trong hai tuần qua kể từ khi tin tức về vụ Cambridge Analytica bùng nổ.
Phản ứng bất thường từ những công ty khác trong thế giới công nghệ đối với Facebook dường như tiết lộ có sự chia rẽ ở đây, đặc biệt là giữa hai kiểu công ty hoạt động kiếm lợi nhuận theo hai phương thức khác nhau. Một là dựa vào hỗ trợ quảng cáo trực tuyến, sử dụng dữ liệu cá nhân thu thập qua trang mạng xã hội; trong khi cái còn lại doanh thu lại kiếm được từ các sản phẩm phần cứng như điện thoại, máy tính, ô tô…
Nhà phân tích Anthony DiClemente thuộc trung tâm Evercore ISI giải thích: “Bình thường tôi cũng không mong đợi Tim Cook sẽ đứng ra bảo vệ lợi ích của Facebook”.
Thậm chí ngay cả trong các nhóm công ty chuyên làm về mạng xã hội, rất ít bên bênh vực Facebook. Ngày 1/4 vừa qua, ứng dụng Snapchat của công ty Snap đã giới thiệu một bộ lọc mới có hình ảnh “cạnh khóe” giao diện Facebook. Trong khi đó, người sáng lập ra ứng dụng WhatsApp là Brian Acton cũng tweet với dòng hastag #deleteFacebook (xóa Facebook). Các mạng xã hội khác như Twitter hay LinkedIn của Microsoft thì phần lớn im lặng giữa lúc cơn bão bủa vây đối thủ.