Chủ tịch IFAD đương nhiệm Kanayo F. Nwanze phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngự Bình
|
Sau cuộc bỏ phiếu kín tại Hội nghị, với đa số phiếu ủng hộ, ông Houngbo đã vượt qua 7 ứng cử viên của các nước Indonesia, Mexico, Italy, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Dominicana và Thụy Sĩ và trở thành chủ tịch đắc cử của IFAD, cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có trụ sở đóng tại Rome. Ông Houngbo sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 1/4/2017, thay Chủ tịch đương nhiệm Kanayo F. Nwanze, quốc tịch Nigeria, sẽ kết thúc nhiệm kỳ nhiệm kỳ thứ hai của mình vào ngày 31/3 tới.
Ông Houngbo, sinh ngày 4/2/1961, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị, phát triển quốc tế, ngoại giao và quản lý tài chính. Ông từng giữ chức Thủ tướng Togo từ năm 2008 đến năm 2012. Kể từ năm 2013 đến nay, ông Houngbo là Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch IFAD sắp mãn nhiệm Kanayo F. Nwanze đã thay mặt cho người dân nông thôn nghèo trên toàn thế giới kêu gọi các nước phải coi phát triển nông thôn là “một nghĩa vụ mang tính đạo đức” và cần phải tiếp tục đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm thực hiện các cam kết xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 như đã được nêu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Maurizio Martina cho rằng tình trạng đói nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn hiện nay, thường được coi là mắt xích đầu tiên trong chuỗi các yếu tố gây nên sự xung đột, bất ổn định, các tình huống khẩn cấp nhân đạo và làn sóng người di cư. Theo ông, thế giới ngày nay cần phải xóa bỏ tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng, đồng thời việc phát triển nông thôn sẽ giúp các nước thực hiện được mục tiêu này.
Việt Nam đề xuất IFAD hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tớiThứ trưởng Trần Xuân Hà trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Đức Hòa |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Hội nghị lần này tập trung đánh giá kết quả đạt được trong năm qua và bàn định hướng phát triển hợp tác thời gian tới. Ngoài việc bầu Chủ tịch mới, Hội nghị bàn hai nội dung quan trọng, thứ nhất là thảo luận cách thức để hoạt động của IFAD ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn nhằm phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp - nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo. Hội nghị cũng trao đổi nhiều giải pháp quan trọng như tài chính cho nông thôn, vấn đề kết hợp giữa sản xuất với thị trường nhằm tạo thành một chuỗi giá trị, kết hợp giữa nông nghiệp - nông thôn với chống biến đổi khí hậu.
Thứ hai là, trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển đồng thời yêu cầu về nguồn lực để đầu tư và hỗ trợ của các quốc gia ngày càng lớn, Hội nghị đã bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính của IFAD. Ngoài việc cam kết rót vốn của các nền kinh tế, Hội nghị cũng thảo luận các cách thức huy động vốn khác nhằm cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IFAD, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng quan hệ giữa hai bên thời gian qua là khá chặt chẽ. Việt Nam đang được IFAD hỗ trợ 17 dự án với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD, kể cả vốn vay và vốn viện trợ, được triển khai trực tiếp tại 11 tỉnh, đặc biệt tập trung vào các tỉnh nghèo và địa bàn miền núi, khó khăn. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết lãnh đạo IFAD đánh giá các dự án của tổ chức này tại Việt Nam là điển hình cho quan hệ giữa IFAD với các nước đang phát triển. Tất cả các dự án đều đạt kết quả cụ thể, thu được hiệu quả như mong muốn.
Cũng chính vì vậy, IFAD đã quyết định nâng cấp Văn phòng đại diện của cơ quan này tại Việt Nam lên thành Văn phòng của khu vực, theo đó không chỉ đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng cho nhu cầu của các nước trong khu vực. Điều này khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong IFAD.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà còn cho hay Việt Nam đã đề xuất IFAD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nhiệp – nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường vai trò của người phụ nữ trong gia đình để nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho trẻ em và giúp các gia đình nghèo tiếp cận được với các dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục. Việt Nam cam kết thực hiện nghĩa vụ đóng góp vốn đối với IFAD và sẽ tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trong các hoạt động chung của IFAD.
Hội nghị Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) lần thứ 40 kết thúc vào ngày 15/2.