Ông Hollande ít cơ hội đắc cử Tổng thống Pháp

Nếu bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào thời điểm hiện tại, Tổng thống François Hollande, thuộc đảng Xã hội cầm quyền (PS) sẽ bị loại ngay từ vòng một.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 16/4 do hai hãng Odoxa và Dentsu-Consulting tiến hành theo đặt hàng của kênh truyền hình BFMTV và báo "Le Parisien" cho biết những người tổ chức đã đưa ra nhiều giả thiết nhằm thăm dò cơ hội chiến thắng của các ứng cử viên thuộc nhiều đảng phái khác nhau. 

Theo đó, trong giả thiết Tổng thống François Hollande được lựa chọn để đại diện cho cánh tả, ông sẽ chỉ giành được 15% số phiếu ủng hộ, đứng sau bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN) với 31%, và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy - Chủ tịch đảng đối lập "Những người Cộng hòa" (LR) với 20%.
 

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần ở thủ đô Paris vào ngày 30/3. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tuy nhiên, trong nội bộ đảng LR, Thị trưởng thành phố Bordeaux, Alain Juppé luôn là người có uy tín cao nhất, cao hơn cả cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, người từng bị vướng vào vụ tai tiếng tài chính trong cuộc vận động bất thành để được tái đắc cử hồi năm 2012. Trong trường hợp ông Alain Juppé được đảng LR đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử Tổng thống thì ông sẽ giành được 34% số phiếu, cao hơn bà Marine Le Pen với 32%, trong khi sự ủng hộ đối với ông Hollande tiếp tục giảm xuống còn 14%. 

Trong một giả thiết khác, nếu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron - ngôi sao ngôi sao của đảng Xã hội (PS) được chọn làm gương mặt đại diện cho cánh tả trong cuộc chạy đua vào Điện Elysée, ông sẽ nhận được 21% số phiếu ủng hộ, đứng sau bà Marine Le Pen - 30%, nhưng đứng trước cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy - 19%. 

Trong trường hợp ông Alain Juppé đại diện cho đảng LR ra tranh cử Tổng thống, số người được hỏi tuyên bố sẽ ủng hộ ông là 29% trong khi bà Marine Le Pen giành được 31% và Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron chỉ có 18% ủng hộ. 

Như vậy, trong tất cả mọi trường hợp, Chủ tịch đảng cực hữu FN, bà Marine Le Pen luôn lọt vào vòng hai với số phiếu dao động từ 30-32%. Tuy nhiên, tại vòng hai, sẽ có nhiều thay đổi về thứ tự và khoảng cách do cử tri của hai phe tả - hữu có thể dồn phiếu bầu cho ứng cử viên còn lại của đảng PS hoặc đảng LR để tránh không phải bầu cho đại diện đảng FN. Kịch bản này đã xảy ra tại các cuộc bầu cử cấp địa phương. 

Vào thời điểm hiện tại, nhiều chính khách trong đảng đối lập LR như cựu Thủ tướng François Fillon, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé, cựu Chủ tịch đảng LR Jean-François Copé…đã công khai tuyên bố ra tranh cử vòng sơ bộ để được đại diện cho đảng mình tranh cửTổng thống tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5/2017 (nhiệm kỳ 2017-2022). 

Đối với đảng Xã hội cầm quyền, Hội đồng toàn quốc của đảng đã quyết định sẽ tổ chức vòng bầu cử sơ bộ trong các ngày 4 và 11/12 sắp tới để lựa chọn ứng cử viên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các thành viên chính phủ như Thủ tướng Manuel Valls và nhiều Bộ trưởng phát biểu với báo chí đều thể hiện sự trung thành với Tổng thống Hollande và sự đoàn kết nội bộ trong đảng khi tuyên bố Tổng thống Hollande sẽ là ứng cử viên "đương nhiên" của đảng PS. Về phía mình, ông Hollande cho biết sẽ thông báo có ra tranh cử nhiệm kỳ hai hay không vào thời điểm cuối năm nay.
TTXVN/Tin Tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN