Ông Kim Jong-un trên đỉnh núi Paektu. |
Những hình ảnh được kênh truyền hình nhà nước KRT công bố cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã đi tản bộ giữa không gian ngập tràn tuyết trắng tại nơi được mệnh danh là “đỉnh núi hùng vĩ của cách mạng”.
Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA cho biết ông Kim đã tận dụng cơ hội này để sống lại “những ngày cảm xúc khi ông nhận ra nguyên nhân lịch sử vĩ đại để hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia mà không nhân nhượng dù chỉ một thời khắc”.
Ông Kim cùng các cố vấn thân cận thăm núi Paektu sau vụ phóng ICBM. |
Ngọn núi lửa ngừng hoạt động Paektu được người dân Triều Tiên xem là một địa điểm linh thiêng vì tại đây, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã chào đời. Tên của ông được khắc vào một bên núi đá.
Bên cạnh đó, đây cũng chính là nơi ông nội của nhà lãnh đạo hiện nay, ông Kim Il-sung khởi đầu cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc chống lại Nhật Bản từ bên trong một căn nhà gỗ ở dưới chân núi.
Cũng trong chuyến đi, ông Kim Jong-un đã tới thăm các nhà máy sản xuất ở thị trấn Samjiyon nằm gần núi Paektu.
Rạng sáng ngày 29/11,
Triều Tiên đã phóng một quả ICBM Hwasong-15, được cho là loại tên lửa mạnh nhất của nước này hiện nay. KCNA cho hay vụ phóng thành công đồng nghĩa với việc lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa này.
Chính phủ Nhật Bản nhận định quả tên lửa đã đạt độ cao 4.475 km và bay xa 950 km trong thời gian 50 phút theo quỹ đạo vòng cung. Đây được đánh giá là lần phóng tên lửa cao nhất và bay xa nhất của Triều Tiên từ trước tới nay. Nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 có thể bay xa 13.000km.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này” khi được hỏi về vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng.