Trước đó, những tổ hợp này đã lấy trích dẫn từ một “nhà khoa học Thụy Sĩ” để phục vụ nội dung đăng tải trên các bài viết. Hồi tháng 7, “Nhà khoa học” có tên Wilson Edwards này từng đăng trên tài khoản mạng xã hội Facebook dòng trạng thái chỉ trích quan điểm của Mỹ đối với cuộc cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 . Theo người này, chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc mới là người tìm cách chính trị hóa cuộc điều tra.
Wilson Edwards còn đi xa hơn khi khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách cách gây ảnh hưởng lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dẫn đến việc lãnh đạo WHO lên kế hoạch mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc COVID-19, trong đó có yêu cầu kiểm toán phòng thí nghiệm tại Trung Quốc, một việc làm mang động cơ chính trị.
Nhiều tổ hợp truyền thông như China Daily hay Thời báo hoàn cầu đã trích dẫn lại thông tin, bình luận của “nhà khoa học” Thụy Sĩ trong bài viết của mình, nhằm củng cố quan điểm của Trung Quốc kiên quyết phản đối ý định của Mỹ và WHO muốn khơi lại việc điều tra nguồn gốc COVID-19.
Đến ngày 10/8, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh ra thông cáo khẳng định thông tin về nhà khoa học kia là giả. Không hề có bất kỳ công dân Thụy Sĩ nào có tên Wilson Edwards. Không thể tìm thấy bất kỳ bài viết học thuật hay chuyên ngành sinh học nào có tên tác giả này. Thông báo cũng chỉ rõ tài khoản Facebook đứng tên Wilson Edwards kia thực chất mới thành lập trước khi đăng thông tin đúng 24 giờ và đây cũng là dòng trạng thái duy nhất.
Đại sứ quán Thụy Sĩ kêu gọi truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc dỡ bỏ nội dung trích dẫn giả mạo kia. Tờ Thời báo hoàn cầu đã ẩn bài viết liên quan đến Wilson Edward, còn tờ China Daily biên tập lại nội dung liên quan đến trích dẫn đã đăng trước đó.