Nếu không có sự hợp tác của ông Putin và chính phủ Nga, sẽ không có thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran – Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.Chỉ ít giờ sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran hôm 14/7 tại Vienna (Áo), tờ New York Times đã có buổi phỏng vấn độc quyền 45 phút đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra những đánh giá cá nhân của ông về thỏa thuận mang tính đột phá này.
Tổng thống Barack Obama (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên tờ New York Times. Ảnh: Nytimes |
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga có đóng góp như thế nào đối với tiến trình đàm phán, ông Obama chia sẻ: “Nước Nga có đóng góp, tôi phải nói thật là như vậy. Ông Putin và chính phủ Nga có sự phân định về vấn đề này theo cách mà tôi cảm thấy ngạc nhiên thú vị. Chúng ta có lẽ đã không được thỏa thuận này, nếu như không có sự quyết tâm của Nga cùng với các thành viên khác trong P5+1”. Tuy nhiên, ông Obama cũng nói rằng, ông không chắc xu hướng này có bền vững không, khi mà Nga và Mỹ vẫn còn những khác biệt lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng cũng chia sẻ rằng, ông cảm thấy phấn khích trước việc vài tuần trước đây đồng cấp người Nga đã gọi điện để đàm thoại về tình hình Syria.
Giới phân tích nhận định, thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy, Mỹ và Nga vẫn có thể hợp tác mang tính xây dựng với nhau trong một số lĩnh vực. Gary Sick, cựu cố vấn về tình hình Iran suốt 3 đời Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Jimmy Carter và Ronald Reagan bình luận: Đương nhiên hợp tác Nga – Mỹ sẽ không ứng vào những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên quá khác biệt. Thế nhưng vấn đề Iran cho thấy rằng, trong một số trường hợp nhất định cả hai vẫn có thể hợp tác với nhau và đây là một dấu hiệu tích cực, có thể là một chỉ dấu cho thấy cả Nga và Mỹ vẫn có thể hợp tác trong tương lai.
Quan hệ Nga Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ thường cáo buộc Nga can dự vào cuộc xung đột ở miền Đông – điều mà Nga luôn bác bỏ.