Ông Obama “nhẫn nại chiến lược” vì tin Nga mới là “kẻ yếu” ở Syria

Nhiều quan chức Mỹ liên tục đòi trả đũa Nga, liên quan đến leo thang quân sự của Moskva tại Syria. Thế nhưng Tổng thống Barack Obama dường như vẫn kiên định “nhẫn nại chiến lược”.


Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày một quyết đoán trong can dự quân sự tại Syria, ông Obama vẫn không chấp nhận những kêu gọi của phe cộng hòa, một số quan chức có thế lực đòi trừng phạt Moskva bằng đòn quân sự, tăng cấm vận kinh tế. Dàn cố vấn tại Nhà Trắng cũng đã mở các phiên thảo luận về phản ứng chính sách nhằm vào Nga. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một kế hoạch nào được lựa chọn, dù Moskva không ngừng có các hành động “thách thức” lợi ích của Washington tại Syria và Trung Đông: Không quân Nga tấn công cả các mục tiêu của Quân đội Syria tự do (SFA) – lực lượng được CIA huấn luyện, trang bị; máy bay Nga đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Điện Kremlin không loại trừ khả năng có “binh sĩ tình nguyện” sang tham chiến tại Syria…

Cột khói bốc cao sau khi máy bay Nga không kích các mục tiêu của quân khủng bố tại Syria. Ảnh: AP

Tổng thống Obama vẫn níu quan điểm tránh đối đầu trực tiếp, tránh một cuộc chiến tranh ủy quyền với Nga tại Syria, dựa trên niềm tin rằng ông Putin đang mắc một “sai lầm chiến lược”. Trước ý kiến của cựu Cố vấn ANQG Zbigniew Brezinski, người bấy lâu luôn ủng hộ chính sách của ông Obama, đòi Mỹ phải có hành động đáp trả thích đáng một khi Nga đi quá giới hạn (tấn công SFA), ông chủ Nhà Trắng vẫn ngó lơ. Đó là một sự im lặng có tính toán khi các cố vấn hàng đầu ở Nhà Trăng cho rằng một nước Nga đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế, cô lập từ bên ngoài mới là “kẻ yếu” trong cuộc chơi này.

“Tới một thời điểm nào đó, bằng cách này hay cách khác (Mỹ) cần tái lập sự răn đe. Nhưng phải theo một cách thức không làm gia tăng mối nguy leo thang căng thẳng không mong muốn, đó mới là thách thức… Mỹ chiếm ưu thế rõ nét trước Nga tại Trung Đông. Nếu muốn phái lực lượng quân sự tới Syria, chúng ta hoàn thoàn có thể làm điều đó. Câu hỏi là phản ứng tiếp theo của ông Putin thế nào? Phải thực sự ngồi trong Phòng Chiến tranh thì mới thấy được mức độ phức tạp”, Ivo Daalder, Chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO bày tỏ.

Ông Obama là người tin theo thuyết “nhẫn nại chiến lược" – một cụm từ được xem là điểm trung tâm trong Chiến lược ANQG mới của Mỹ. Thế nhưng, sự nhẫn nại đó sẽ bị “thử thách” trong một vài tuần tới đây. Những bước đi mới nhất của Nga cho thấy Moskva đã sẵn sàng đẩy chiến dịch quân sự tại Syria sang một giai đoạn mới. Nhiều trực thăng Mi-17, Mi-24 đã bắt đầu di chuyển từ Latakia tới Hama. Nhiều tổ hợp pháo phản lực phóng loạt hiện đại BM-30 Smerch đã được Nga triển khai tại miền trung Syria. Cái khó với Mỹ nằm ở chỗ, Washington hiện chưa thể biết ý định thực sự của Moskva. Liệu điện Kremlin chỉ dừng ở việc dùng vũ khí, hỏa lực mạnh trợ giúp quân đội Syria giành lại ưu thế trên chiến trường, đánh bại quân nổi dậy; hay sẽ chuyển sang giai đoạn can dự trực diện, có sự hiện diện của binh sĩ Nga, dù là chỉ dưới danh nghĩa “quân tình nguyện”?

Máy bay chiến đấu của Nga tại căn cứ không quân ở Latakia, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

“Chúng ta vẫn đang chờ và xem”, một quan chức Mỹ nói ngày 7/10. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest tái khẳng định “cam kết chắc nịch” mà ông Obama đưa ra ngay sau khi Nga không kích quân khủng bố Syria: “…Không để tình hình Syria chuyển sang hình thái chiến tranh ủy quyền giữa Nga và Mỹ”. Thế nhưng nhiều người khác thì cho rằng, việc bị coi là “yếu ớt” trước Nga đến một giới hạn nào đó sẽ buộc Mỹ phải có hành động cương quyết hơn, đạt tới điểm cân bằng giữa “răn đe cần có và nguy hiểm chấp nhận được”.

Ông Obama đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan, y như tình cảnh một Tổng thống Mỹ hơn nửa thế kỉ trước đây. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ông John F. Kennedy cũng phải trả lời câu hỏi đầy hóc búa: Đối phó với Moskva bằng cách nào mà không gây ra cuộc xung đột lớn hơn?

Hoài Thanh (Theo Politico)
Đại sứ Syria: Không quân Nga phá hủy 40% cơ sở của IS
Đại sứ Syria: Không quân Nga phá hủy 40% cơ sở của IS

Không quân Nga đã phá hủy khoảng 40% cơ sở hạ tầng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kể từ khi triển khai chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN