Một quan chức giấu tên cho biết: Kế hoạch còn phải nhận được sự phê chuẩn của ông Obama và nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ đưa ra quyết định chính thức ngay trong tuần này. Các phiên thảo luận tại Nhà Trắng được tiến hành sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hối thúc giới chức quân sự đưa ra những lựa chọn về mở rộng can dự của Mỹ tại Syria, Iraq và Afghanistan. Theo bản kế hoạch mới này, Mỹ lần đầu tiên phái lực lượng đặc nhiệm, cố vấn quân sự sang Syria; đẩy cố vấn Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống IS tại Iraq. Thay đổi này đánh dấu bước gia tăng vai trò của Mỹ tại điểm nóng Syria.
Bộ trưởng Chuck Hagel (trái) và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford tại phiên điều trần hôm 27/10. Ảnh: C-span |
Hiện chưa rõ quy mô binh sĩ Mỹ tính triển khai ở Syria, nhưng các nguồn tin nói rằng trước mắt có thể sẽ là một nhóm nhỏ khoảng 30-50 lính đặc nhiệm cùng tham gia chiến đấu với các tay sung người Kurd, quân nổi dậy Syria. Được sự hỗ trợ của máy bay Mỹ, lực lượng hỗn hợp này sẽ sớm mở cuộc tấn công vào Raqqa, thành trì của khủng bố IS. Còn tại Iraq, các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nêu đề xuất cử cố vấn tham gia chiến đấu cùng quân đội của chính quyền Baghdad đến cấp lữ đoàn trong các chiến dịch đặc biệt, ví như tấn công chiếm lại thành phố Ramadi hiện rơi vào tay IS. Trước đây, các cố vấn này chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ trong căn cứ mà không tham gia tác chiến trên thực địa.
Tầm mức can dự tuy có hạn chế, nhưng nó cho thấy đã có sự dịch chuyển về mặt định hướng nhiệm vụ ở Lầu Năm góc: Mới năm ngoái thôi, Bộ trưởng Chuck Hagel vẫn còn theo đuổi đường hướng triệt tiêu can dự của Mỹ trong các cuộc chiến tranh, xung đột ở bên ngoài và dồn nỗ lực sang các mỗi đe dọa đang nổi – ví như sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc. Đáng chú ý, thảo luận trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Syria, Iraq diễn ra ngay sau khi ông Obama quyết định để 5.500 lính Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan đến năm 2017.
Đề xuất đối sách được thực hiện theo yêu cầu của ông Obama, sau khi ông cùng các cố vấn hàng đầu đều có chung lo ngại chiến trường Iraq và Syria hầu như không có bước tiến nào và cần phải có ý tưởng mới để thúc đẩy đà tiến công ngăn chặn IS. Bản danh sách các lựa chọn đặt trên bàn Tổng thống Mỹ từ tuần trước do các tư lệnh chiến trường vạch ra, được thẩm định bởi dàn cố vấn an ninh quốc gia, trong đó có ông Carter và Ngoại trưởng John Kerry. Ngoài ý tưởng triển khai đặc nhiệm, cố vấn quân sự, các tướng lĩnh Mỹ còn nêu nhiều kịch bản khác tham vọng và tốn kém hơn – ví như thiết lập vùng cấp bay hay “vùng đệm an toàn” ở Syria, đòi hỏi phải huy động cả ngàn lính bộ binh. Giải pháp đã không được giới cố vấn chóp bu Nhà Trắng đồng ý, vì đẩy Mỹ can dự trực tiếp với quân đội Damascus cùng với lực lượng Nga, Iran đang hiện hiện ở Syria.
Một quan chức Lầu Năm góc tiết lộ, ông Carter là người được lựa chọn để đưa ra chiến lược diệt trừ khủng bố IS chi tiết hơn, liên quan đến cả Iraq, Syria, Afghanistan. Ông cũng là người thiên về lấy sức mạnh quân sự làm điểm tựa cho bước can dự chiến lược hơn người tiền nhiệm Hagel. Ông đã nhận ra rằng quân đội Mỹ cần phải làm điều gì đó khác biệt sau khi chứng kiến sự thất thủ của Ramadi (5/2015), cùng với đó là khó khăn mà Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) gặp phải trong việc tìm kiếm các đối tác phù hợp trong vấn đề Syria. “Chúng ta sẽ không dừng việc hỗ trợ các đối tác có khả năng trong các chiến dịch tấn công chớp nhoáng nhằm vào IS và sẽ trực tiếp triển khai các nhiệm vụ tương tự như vậy, dù là bằng các đòn không kích hay hành động trực diện trên chiến trường”, Bộ trưởng Carter phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện hôm 27/10 về chiến lược quân sự của Mỹ tại Trung Đông.