Các nhà quan sát bầu cử quốc tế thuộc Văn phòng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) phụ trách các thể chế dân chủ và nhân quyền (ODIHR) cùng Hội đồng Nghị viện của OSCE (OSCE PA) ngày 7/11 đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh chính quyền Mỹ trong 2 năm qua nhiều lần cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống nước này năm 2016.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington (Mỹ), điều phối viên đặc biệt của OSCE George Tsereteli khẳng định: "Chúng tôi không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào". Theo quan chức này, máy móc bầu cử hoạt động tốt và họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bất cứ điểm bầu cử hay hệ thống nào bị tấn công.
Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn OSCE PA Isabel Santos nhấn mạnh, cho đến nay các nhà quan sát không phát hiện bất kỳ bằng chứng về sự can thiệp từ bên ngoài đối với cuộc bầu cử. Tuy nhiên, bà Santos cho biết, nhà chức trách trên khắp thế giới cần sẵn sàng phản ứng và hợp tác trong các vấn đề liên quan đến an ninh bầu cử.
Bà Santos nêu rõ: "Không gian mạng là không gian mở không biên giới và mối đe dọa có thể tới từ khắp mọi nơi, thậm chí xuất phát từ một công dân. Chúng ta cần sẵn sàng đầu tư vào an ninh mạng - đầu tư vào công nghệ cũng như vào đối thoại giữa các nước nhằm mục đích tự vệ".
Cũng trong ngày 7/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, chính quyền của ông có kế hoạch công bố bản báo cáo đầy đủ về bất kỳ hoạt động can thiệp từ các nước khác vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mới kết thúc.
Theo kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nới rộng thế đa số tại Thượng viện Mỹ nhưng mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Dân chủ. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện kể từ năm 2010 và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nhiều khả năng sẽ quay lại vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chương trình nghị sự mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi.