Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn lời bà Etienne cho biết, cơ chế COVAX sẽ cho phép các quốc gia được đảm bảo giá tốt hơn và ít rủi ro hơn trong việc tiếp cận các nguồn vaccine ngừa COVID-19.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều phối cơ chế tiếp cận các công cụ chống dịch COVID-19 - một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển, sản xuất và đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận xét nghiệm, liệu pháp điều trị và vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, hợp phần vaccine COVAX do WHO hợp tác với Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thực hiện, nhằm tối đa hoá quá trình phát triển cũng như tiếp cận và phân bổ công bằng vaccine cho các quốc gia. Theo sáng kiến này, các nước thu nhập cao và trung bình cao sẽ tiếp cận vaccine thông qua mua sắm tập trung dùng nguồn tài chính viện trợ. Trong khi đó, các nước thu nhập trung bình thấp và thấp sẽ được hỗ trợ tài chính để mua vaccine.
Phó Giám đốc PAHO phụ trách khu vực Nam Mỹ Jarbas Barbosa xác nhận hiện đã có 165 dự án phát trriển vaccine ngừa COVID-19 được đăng ký tại chương trình COVAX, trong đó 27 dự án đã bắt đầu các thử nghiệm trên người và 6 dự án đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nước Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc COVID-19 và gần 210.000 trường hợp tử vong, chiếm 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Theo các chuyên gia y tế, với tốc độ lây nhiễm hiện tại, trong vài ngày tới số ca tử vong ở khu vực này có thể sẽ vượt con số ở châu Âu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19.