Đây là một phần trong các biện pháp cải cách theo thỏa thuận cho vay 7 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Islamabad.
Phát biểu trước báo giới ngay khi trở về từ Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb cho biết chương trình hợp tác với IMF đã hoàn thiện, trong đó, quá trình sắp xếp lại nhân sự trong các bộ đã bắt đầu, với kế hoạch giải thể 6 bộ và cắt giảm 150.000 lao động trong bộ máy hành chính công.
Theo ông, kể từ khi áp dụng các biện pháp cải cách, số người nộp thuế đã tăng lên 300.000 trong năm ngoái và hiện tại đã có 732.000 cá nhân nộp thuế mới đăng ký, nâng tổng số người nộp thuế lên 3,2 triệu. Những người không chịu nộp thuế sẽ không được phép mua bất động sản hoặc phương tiện đi lại. Nhờ đó, nền kinh tế Pakistan đang đi đúng hướng, với dự trữ ngoại hối đạt mức cao và chiều hướng tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu công nghệ thông tin.
Trước đó, hôm 26/9, IMF đã thông qua gói viện trợ và giải ngân trị giá hơn 1 tỷ USD, đánh dấu bước đầu tiên sau khi Pakistan cam kết cắt giảm chi tiêu, tăng tỷ lệ thuế trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và áp thuế đối với các lĩnh vực phi truyền thống như nông nghiệp và bất động sản, đồng thời hạn chế trợ cấp và chuyển một số trách nhiệm tài chính cho các tỉnh.
Pakistan đã gặp nhiều khó khăn trong công cuộc khôi phục nền kinh tế và gần như vỡ nợ vào năm 2023, song khoản vay 3 tỷ USD từ IMF đã giúp cải thiện tình hình. Mặc dù Islamabad đã đàm phán nhiều khoản vay với IMF, nhưng nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng giải quyết triệt để các vấn đề kinh tế của quốc gia Nam Á.
Hồi tháng 7, Pakistan đã đồng ý tiến hành cải cách sâu rộng để đáp ứng các điều kiện từ chương trình cho vay của IMF, trong đó có biện pháp tăng thuế. Phát biểu khi đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nhấn mạnh “chương trình này nên được coi là chương trình cuối cùng”.