Động thái này mở ra hy vọng kết thúc tranh cãi từng khiến các thương nhân hai bên thiệt hại nhiều và khiến hàng nghìn người bị ảnh hưởng.
Một quan chức biên giới Pakistan cho biết: "Giao thương và các hoạt động kinh tế khác với Afghanistan đã được tiếp tục".
Cửa khẩu Chaman là một cửa khẩu lớn chuyên vận tải hoa quả xuất khẩu từ thành phố Kandahar (miền Nam Afghanistan). Việc đóng cửa Chaman trong 27 ngày qua đã gây thiệt hại lớn vì nông dân không thể đưa nông sản ra thị trường. Việc mở lại cửa khẩu trên cũng được coi như một sự hỗ trợ cho chính quyền Taliban ở Kabul, vốn đang rất cần nguồn thu hải quan ở các cửa khẩu biên giới. Nền kinh tế Afghanistan hiện đang có rất ít các nguồn thu ngoại tệ chính đáng.
Trong bối cảnh Afghanistan đang ngày một lún sâu vào khủng hoảng kinh tế do các tổ chức nước ngoài bất ngờ rút viện trợ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước hồi tháng 8, giới chức Pakistan ngày càng lo ngại nguy cơ một làn sóng tị nạn mới. Nhà chức trách nước này đã đóng cửa biên giới do lo ngại an ninh và các tranh cãi liên quan đến nhiều vấn đề, từ dịch COVID-19 đến các loại giấy tờ hợp lệ của người Afghanistan.
Trong một diễn biến khác, chính quyền Taliban cho biết sẽ sớm thông báo "tin tốt" về việc trẻ em gái được phép trở lại trường học, song kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ cho tiến trình này trong bối cảnh hầu hết các hỗ trợ nước ngoài đang bị đình trệ.
Đảm bảo quyền của phụ nữ và bé gái là một trong các vấn đề nhạy cảm nhất mà Taliban đối mặt kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8. Các cơ quan, tổ chức quốc tế yêu cầu Taliban cung cấp bằng chứng về việc này trước khi tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng công nhận chính phủ mới.
Người phụ trách Các chương trình đối ngoại và viện trợ, thuộc Bộ Giáo dục Afghanistan, Waheedullah Hashimi cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm có một thông báo tốt lành với cả nước". Ông nêu rõ động thái này là cam kết giáo dục cho trẻ em gái và chính quyền đang nỗ lực tìm cách đưa các em trở lại trường học, đồng thời nhấn mạnh đây là "thông điệp tích cực gửi tới thế giới".
Tuy nhiên, ông Hashimi cũng cho biết thêm rằng hoạt động giáo dục, cũng như nhiều mảng hoạt động khác của chính phủ, đang bị ảnh hưởng nặng nề vì nước ngoài rút viện trợ đột ngột sau khi chính phủ được phương Tây ủng hộ sụp đổ. Ông kêu gọi quốc tế khôi phục các khoản viện trợ này.
Bên cạnh vấn đề giáo dục cho trẻ em gái, ông Hashimi cho biết Bộ Giáo dục đang soạn thảo một chương trình giáo khoa mới phù hợp với các nguyên tắc của đạo Hồi, văn hóa địa phương và các chuẩn mực quốc tế. Các quan chức bộ trên đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quốc tế, song ông Hashimi nhấn mạnh rằng hệ thống này sẽ được thiết lập dựa trên sự đồng thuận giữa chính quyền Taliban với các trường học, chứ không dựa trên sức ép quốc tế.