Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của hãng thông tấn Anadolu bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác kinh tế lần thứ 17 tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan, ông Kakar nói: “Kashmir là một vấn đề nổi cộm giữa Ấn Độ và Pakistan. Quan điểm truyền thống của Pakistan là vấn đề này cần được giải quyết theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ (người Kashmir) có mọi quyền để quyết định tương lai, số phận của mình... và Pakistan sẽ luôn ủng hộ lập trường đó, về mặt ngoại giao và chính trị”.
Theo ông Kakar, đã có nhận thức “trên mọi mặt trận” rằng tranh chấp Kashmir phải được "xử lý và giải quyết nếu cần bình thường hóa quan hệ" giữa hai nước. Tuy nhiên, câu trả lời về “khi nào” và “làm thế nào” để mối quan hệ này mới được bình thường hóa “chắc chắn” là một thách thức đối với mọi thành phần trong xã hội bao gồm giới lãnh đạo, giới trí thức, doanh nhân và xã hội dân sự của hai nước.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng, cần phải có sự bình thường hóa nếu khu vực này muốn “hai bên cùng có lợi”.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện khu vực này được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.