Theo công ty công nghệ IQAir, thành phố đông dân thứ hai này của Pakistan, với hơn 13 triệu dân, đã đóng cửa hàng loạt trường học, công viên, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng vọt lên hơn 400. Con số đó được xếp hạng ở mức “nguy hiểm”.
Các nhà chức trách ở tỉnh Punjab của Pakistan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp về môi trường và sức khỏe ở ba thành phố – Gujranwala, Hafizabad và Lahore – cho đến khi tình hình được cải thiện. Ba thành phố cộng lại có hơn 15 triệu dân.
Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Pakistan Mohsin Naqvi hôm 7/11 cho biết chính quyền địa phương sẽ hạn chế di chuyển của người dân đến và đi từ các khu vực này bằng phương tiện giao thông công cộng và cá nhân. Ngoài ra, việc tụ tập nhiều hơn 4 người ở một nơi cũng bị cấm.
Mức độ ô nhiễm tăng cao ở Pakistan xảy ra sau khi nước láng giềng Ấn Độ chứng kiến nạn sương mù ngột ngạt bao phủ thủ đô New Delhi vào tuần trước, do nhiệt độ lạnh hơn khiến các hạt ô nhiễm bị giữ lại, tạo ra khói mù độc hại.
Thông thường, vào cuối năm sau vụ thu hoạch mùa đông, hàng triệu nông dân sẽ đốt sạch rơm rạ còn sót lại để chuẩn bị cho vụ lúa sắp tới. Yếu tố này, cùng với tình trạng ô nhiễm do xe cộ và sản xuất công nghiệp, đã gây khói mù dày đặc khắp các bang Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và New Delhi ở phía Bắc Ấn Độ.
Tòa án Tối cao Ấn Độ tuần này đã ra lệnh cho chính quyền các bang xung quanh New Delhi ngăn chặn nông dân đốt cây trồng, đồng thời cấm đốt pháo hoa trên toàn quốc, trước thềm lễ hội Ánh sáng Diwali sắp diễn ra vào cuối tuần này.
Các thành phố lớn khác của Ấn Độ, trong đó có Kolkata và Mumbai, cũng bị IQAir liệt kê vào danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong tuần này, với mức độ ô nhiễm dao động giữa “nguy hiểm” và “không tốt cho sức khỏe”.
Chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, từ hạn chế phương tiện đi lại trên đường, tưới nước trên vỉa hè và cấm hoạt động xây dựng không cần thiết để giảm bụi.
Dhaka, thủ đô của Bangladesh, nơi có dân số hơn 10 triệu người, cũng nằm trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất của IQAir. Chỉ số AQI của Dhaka ngày 10/11 là 222, tương đương mức không tốt cho sức khỏe.
Mức bụi mịn PM2.5 ở tất cả các thành phố này vượt xa giới hạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Tình trạng này cũng phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng đối với các quốc gia Nam Á khi họ trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và bùng nổ dân số đang làm tăng mức độ ô nhiễm.
Các hạt PM 2.5 gồm các chất ô nhiễm như sunfat, nitrat và carbon đen. Việc tiếp xúc với chúng có thể làm suy giảm chức năng nhận thức và miễn dịch của con người. Chúng cũng liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng phổi và tim.
Các nhóm môi trường và các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã kêu gọi những giải pháp hiệu quả hơn để quản lý sự gia tăng dân số. Họ cho rằng các biện pháp hiện tại như hạn chế giao thông và tạm dừng xây dựng không tạo ra nhiều khác biệt về lâu dài.
Tác động của ô nhiễm không khí đã hiện rõ ở một số vùng của Ấn Độ.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), không khí độc hại có thể làm giảm tuổi thọ của người dân Delhi tới 9 năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy mỗi người trong số 1,4 tỷ cư dân Ấn Độ đều phải chịu mức ô nhiễm trung bình hàng năm vượt quá mức do WHO đặt ra.
Các bác sĩ ở thủ đô Ấn Độ cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng các bệnh liên quan đến ô nhiễm. Các bệnh nhân liên tục thăm khám về các triệu chứng như ho, rát họng, khó thở và các vấn đề về da.