Chính phủ Pakixtan ngày 26/11 tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan tới các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo.
Lính Pakixtan tại khu vực bị Nato tấn công hôm 25/11.- Ảnh THX/TTXVN |
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp bất thường diễn ra cùng ngày của Ủy ban Quốc phòng Nội các (DCC), do Thủ tướng Yuxúp Rada Gilani (Yousuf Raza Gilani) chủ trì, với sự tham gia của các bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh quân đội.
Tuyên bố do Văn phòng Thủ tướng Pakixtan đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: "DCC quyết định Chính phủ Pakixtan sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các chương trình, hoạt động cũng như các thỏa thuận hợp tác với Mỹ/NATO/ISAF (Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế) liên quan tới các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo". Ngoài ra, DCC cũng giữ nguyên quyết định được thực hiện trước đó cùng ngày là đóng cửa biên giới đối với các xe tải tiếp tế của NATO. DCC đồng thời yêu cầu Mỹ bỏ trống căn cứ không quân Samxi (Shamsi) ở tỉnh Baluchitan (Baluchistan), Tây Nam Pakixtan, trong vòng 15 ngày.
Tuyên bố cũng nêu rõ DCC mạnh mẽ lên án vụ tấn công của NATO và ISAF nhằm vào các vị trí bên trong biên giới Pakixtan ở Môman (Mohmand) làm nhiều quân nhân nước này chết và bị thương. Các vụ tấn công đã vi phạm chủ quyền Pakixtan, vi phạm luật pháp quốc tế và làm tổn hại nghiêm trọng nền tảng cơ bản của sự hợp tác giữa Pakixtan với NATO và ISAF trong cuộc chiến chống các lực lượng phiến quân và khủng bố. DCC nhấn mạnh các cuộc tấn công vào các vị trí đóng quân trong lãnh thổ Pakixtan là không thể chấp nhận được và sẽ bị đáp trả thích đáng, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá.
Liên quan vụ NATO không kích khu vực biên giới Pakixtan, ngày 26/11, Bộ Ngoại giao Pakixtan đã triệu Đại sứ Mỹ tại Ixlamabát (Islamabad) đến để trao công hàm phản đối chính thức vụ việc này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lêôn Panétta (Leon Panetta) và Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn (Hillary Clinton) đã ra tuyên bố chung cho biết "lấy làm tiếc" về vụ việc trên và ủng hộ NATO mở cuộc điều tra ngay lập tức. Tuyên bố cũng tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Oa sinh tơn với Ixlamabát.
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên ISAF, Chuẩn Tướng Catơn Giacốpxơn (Carsten Jacobson) xác nhận rằng máy bay của NATO đã được cầu viện đến để hỗ trợ các binh sĩ trong một vụ việc gần biên giới với Pakixtan và các lực lượng của NATO "rất có thể" đã xả súng vào hai vị trí đóng quân của quân đội Pakixtan làm 26 binh sĩ thiệt mạng và 13 binh sĩ bị thương./.
TTXVN/Tin Tức