Trong tuyên bố đưa ra ngày 10/9 vừa qua, ông Netanyahu cam kết sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan và khu vực phía Bắc Biển Chết vào lãnh thổ Israel nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 17/9 tới.
Thung lũng Jordan rộng 2.400 km2, chiếm gần 30% vùng Bờ Tây, được xem là một khu vực chiến lược cả về an ninh và nông nghiệp. Tuyên bố trên của ông Netanyahu đã gây làn sóng phản đối mạnh từ Palestine cũng như dư luận quốc tế.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi một bức thư tới cộng đồng quốc tế nêu rõ: "Nếu chính quyền Mỹ ủng hộ hoặc tán thành những lời dọa của ông Netanyahu về sáp nhập Thung lũng Jordan, Biển Chết và tất cả khu định cư, điều này sẽ phá hủy bất kỳ mối quan hệ hay liên lạc nào còn tồn tại với chính quyền này".
Bức thư cũng hối thúc cộng đồng quốc tế lên án "thái độ không tôn trọng luật pháp" của Israel và hành động để ngăn chặn việc hiện thực hóa cam kết trên của ông Netanyahu.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt trừng phạt Israel, nhấn mạnh rằng cam kết trên của ông Netanyahu là hành động lợi dụng cuộc bầu cử tại Israel để mở rộng chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Ông al-Malki nhấn mạnh đây là sự coi thường các nghị quyết của LHQ, những định chế liên quan và các quốc gia mong muốn hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Cam kết trên của ông Netanyahu tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của các nước. Ngày 12/9, Jordan kêu gọi các thành viên thường trực HĐBA LHQ "hành động ngay lập tức và hiệu quả" đối với động thái của Thủ tướng Israel.
Tại một cuộc gặp các đại sứ của 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ ở thủ đô Amman, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho rằng cộng đồng quốc tế cần nêu quan điểm rõ ràng và lên án cam kết của ông Netanyahu vì đây là "một sự leo thang nguy hiểm, làm lung lay các nền tảng của tiến trình hòa bình và sẽ chỉ dẫn tới bạo lực và xung đột trong khu vực". Ông Safadi cũng nhấn mạnh nếu ông Netanyahu đắc cử và thực hiện cam kết trên thì sẽ phá hỏng giải pháp hai nhà nước - giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Abbas, Quốc vương Saudi Arabia Salman nêu rõ Saudi Arabia lên án và bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Thủ tướng Israel về ý định sáp nhập các vùng đất tại khu Bờ Tây. Quốc vương Salman nhấn mạnh rằng động thái này đánh dấu “bước leo thang nguy hiểm chống lại người dân Palestine” và là “sự vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế và công ước LHQ.
Bộ Ngoại giao Maroc ngày 12/9 ra tuyên bố lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất" kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan ở Bờ Tây mà ông Netanyahu đưa ra trong cam kết tranh cử. Tuyên bố nêu rõ động thái này "là một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của cộng đồng quốc tế". Bộ Ngoại giao Maroc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các thành viên HĐBA LHQ, hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ các cơ hội đạt giải pháp hai nhà nước cũng như đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực.
Trước đó, cam kết của ông Netanyahu đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Arab. Theo yêu cầu của Saudi Arabia, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm 57 quốc gia Hồi giáo, cho biết sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng khẩn cấp vào ngày 15/9 tới để thảo luận về "động thái leo thang của Israel”.