Hãng thông tấn WANA cho hay Tổng thống Abbas đã nhấn mạnh luật mới "sẽ không làm thay đổi tình hình lịch sử của Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của Nhà nước Palestine". Tuyên bố cũng khẳng định Luật Quốc gia dân tộc Do Thái sẽ không ngăn cản người Palestine trong cuộc đấu tranh hợp pháp chống lại sự chiếm đóng của Israel và thành lập một nhà nước độc lập của mình.
Tổng thống Abbas cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và thực thi trách nhiệm để ngăn chặn các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc này bằng cách gây áp lực cho Israel.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Israel đang cố gắng thành lập "một nhà nước Apartheid", đồng thời chỉ trích Luật Quốc gia dân tộc Do Thái của Israel phân biệt chủng tộc khi tuyên bố chỉ có người Do Thái mới có quyền tự quyết tại quốc gia này.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng sau khi Quốc hội Israel thông qua luật nói trên trước đó cùng ngày, gây phẫn nộ trong cộng đồng người Arab ở nước này. Ông Kalin nhắc lại sự phản đối lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi phản đối các nỗ lực của Chính phủ Israel nhằm thành lập một nhà nước Apartheid". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng động quốc tế có phản ứng kịp thời đối với luật trên của Israel, vốn có nội dung xóa bỏ giải pháp hai nhà nước.
Cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) cũng đã lên án Quốc hội Israel thông qua Luật Quốc gia dân tộc của người Do Thái. Tuyên bố của AL nhấn mạnh mọi đạo luật mà Israel đang cố gắng thực thi một cách mạnh mẽ đều không có giá trị và sẽ không trao tính hợp pháp cho mọi hành động chiếm đóng của Israel.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn nhà nước Petra, Jordan cũng đã lên tiếng phản đối Israel thông qua đạo luật gây tranh cãi nói trên. Quốc vụ khanh Jordan phụ trách các vấn đề truyền thông và liên lạc Jumana Ghunaimat cho rằng, luật mới sẽ thổi bùng lên làn sóng kỳ thị sắc tộc tại Israel và hoàn toàn vi phạm luật pháp cũng như các công ước quốc tế.
Trước đó, sau nhiều tháng tranh cãi, ngày 19/7, với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 hai nghị sĩ không bỏ phiếu, Quốc hội Israel đã thông qua Luật Quốc gia dân tộc Do Thái.
Được ban hành ngay sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà nước Israel, đạo luật chủ yếu mang tính biểu tượng này quy định rằng "Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và họ có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia của nước này". Luật cũng cấm sử dụng tiếng Arab như là một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Hebreu (Do Thái cổ) và cấp cho ngôn ngữ này "quy chế đặc biệt" để được phép tiếp tục sử dụng trong các tổ chức Israel.
Một điều khoản khác gây tranh cãi là việc khuyến khích phát triển các khu định cư người Do Thái và coi đó là vì lợi ích quốc gia của Israel.